Tri Âm Quán - Lục Ngạn - Bắc Giang
Chào bạn đã ghé thăm Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang!
Diễn Đàn là nơi giao lưu kết bạn, sưu tầm, lưu trữ, học hỏi và chia sẻ kiến thức.
Để cùng nhau tiến bộ trên con đường hướng thiện.
Chúc bạn sức khỏe và có nhiều thành công mới trong cuộc sống!

Om mani pad me hum
Tri Âm Quán - Lục Ngạn - Bắc Giang
Chào bạn đã ghé thăm Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang!
Diễn Đàn là nơi giao lưu kết bạn, sưu tầm, lưu trữ, học hỏi và chia sẻ kiến thức.
Để cùng nhau tiến bộ trên con đường hướng thiện.
Chúc bạn sức khỏe và có nhiều thành công mới trong cuộc sống!

Om mani pad me hum
Tri Âm Quán - Lục Ngạn - Bắc Giang
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tri Âm Quán - Lục Ngạn - Bắc Giang

Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự tạo lấy.
 
Trang ChínhTrang Chính  HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Icon_portal  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Chào mừng các bạn đã ghé thăm Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang! Chúc các bạn sức khỏe và thành đạt! Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang.

 

 HÀN PHI TỬ-HÀN PHI

Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2
Tác giảThông điệp
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyFri Aug 25, 2023 8:00 pm

17. Chỗ hổng là cửa lớn và cửa sổ của sự sáng suốt. Tai và mắt kiệt sức vì âm thanh và màu sắc tinh thần đã kiệt sức vì cái vẻ bên ngoài, cho nên bên trong không có chủ. Bên trong đã không có chủ thì dù hoạ hay phúc có lớn như cái gò, như ngọn núi cũng không có cách mà biết được. Cho nên nói: "Không ra khỏi cửa lớn có thể biết thiên hạ, không dòm ra cửa sổ có thể biết đạo trời" (Chương 107). Câu này là nói sự sáng suốt không rời bỏ cái bên trong của mình.
 
18. Triệu Tương Chủ học đánh xe với Vương Tử Kỳ, ít lâu sau ông ta cùng đánh xe thi với Tử Kỳ, ba lần ông đổi ngựa nhưng cả ba lần đều thua. Tương Chủ nói: "Ông dạy tôi thuật đánh xe nhưng chưa dạy hết". Tử Kỳ đáp: "Thuật đã dạy hết rồi nhưng bệ hạ dùng nó sai. Phàm cái quý của việc đánh xe là thân thể con ngựa yên nơi xe, lòng con người hoà với con ngựa.
Sau đó mới có thể tiến nhanh và đi xa. Nay bệ hạ chạy sau thì muốn vượt qua thần, chạy trước thì sợ thần vượt qua. Nói chung việc cùng nhau chạy đua trên đường, tranh nhau đi xa nếu không vượt lên trước, thì phải theo sau. Nhưng chạy trước hay chạy sau bụng bệ hạ đều nghĩ đến thần thì bệ hạ làm sao có thể hoà mình với con ngựa được? Vì vậy cho nên bệ hạ chạy sau".
 
Bạch Công tên là Thắng lo mưu loạn. Lúc bãi chầu về cầm ngược cây gậy để chống, mũi nhọn của nó xuyên qua cằm, máu chảy xuống đất mà không biết. Người nước Trịnh nghe vậy, nói: "Cái cằm của mình mà còn quên thì vì cái gì mà quên đây?. Cho nên nói: "Càng đi xa thì càng biết ít, cái khôn càng kém đi". Câu này nói rằng khi cái trí của mình nghĩ đến chuyện xa thì bỏ mất chuyện gần. Thánh nhân không câu nệ vào việc gì cho nên cái không bao gồm cả gần lẫn xa. Cho nên nói "Không đi mà biết" (Chương 64). Cái khôn bao gồm cả gần lẫn xa, cho nên nói "Không nhìn mà thấy rõ" (Chương 47). Theo thời mà hành động dựa vào cái mình có sẵn mà làm nên công, dùng cái khả năng của vạn vật mà thu được cái lợi, cho nên nói: "Không làm mà nên (Chương 47).
19. Sở Trang Vương cầm quyền cai trị ba năm, không ban hành pháp lệnh, không có hành vi chính trị gì. Quan hữu tư mã ngồi hầu bên cạnh nói bóng gió với nhà vua: "Có con chim đỗ ở cái gò phía nam, ba năm không vỗ cánh, không bay, không kêu, im lặng không lên tiếng, con chim gì vậy?". Nhà vua nói: "Ba năm không vỗ cánh là để cho lông cánh mọc dài, không bay không kêu là để quan sát phép dân. Tuy không bay, nhưng bay thì xông thẳng lên trời. Tuy không kêu, nhưng kêu thì thế nào cũng làm cho người ta kinh ngạc. Nhà ngươi cứ yên tâm, quả nhân biết rồi đấy".
 
Được nửa năm bèn tự mình nghe chính sự, phế truất mười người, cất nhắc chín người, giết năm viên quan đại thần, cử sáu người ẩn sĩ, kết quả nước rất trị an. Đem binh đánh nước Tề, đánh bại quân Tề ở Từ Châu, đánh thắng quân Tấn ở Hà Ung, họp chư hầu ở nước Tống, làm bá chủ thiên hạ.
 
Vương không làm việc thiện nhỏ nên có danh tiếng lớn, không sớm cho thấy ý mình nên có công lớn. Cho nên nói: "Cái vật lớn làm xong muộn, cái âm lớn ít tiếng" (Chương 41).
20. Sở Trang Vương muốn đánh nước Việt. Đỗ Tử can: "Tại sao nhà vua lại đánh nước Việt?". Vua nói: "Chính sự loạn và binh nó yếu". Đỗ Tử nói: "Thần ngu lo ngại điều đó. Cái trí khôn cũng như con mắt, nó có thể nhìn thấy ngoài trăm bước nhưng không thể tự nhìn thấy lông mi của mình. Quân đội nhà vua đã từng bị quân Tần, quân Tấn đánh thua, đã từng mất đất vài trăm dặm, như thế là quân đội yếu. Trang Kiều làm giặc cướp bên trong mà quan lại không thể cấm được, như thế là chính sự loạn vậy. Nhà vua yếu và loạn không kém gì nước Việt mà lại muốn đánh nước Việt, như thế cái khôn cũng như con mắt vậy". Nhà vua bèn thôi.
 
Cái khó của việc biết không phải ở chỗ nhìn thấy người ta mà ở chỗ tự nhìn thấy mình. Cho nên nói: "Tự nhìn thấy mình gọi là sáng" (Chương 33). ,
 
21. Tử Hạ gặp Tăng Tử. Tăng Tử hỏi: "Tại sao ông béo thế?". Tử Hạ nói: "Đánh giặc thắng cho nên béo". Tăng Tử nói: "Như thế là thế nào?". Tử Hạ đáp: "Tôi bước vào thấy cái nghĩa của các tiên vương thì thích. Đi ra thấy giàu sang thì thích. Hai cái đó đánh nhau ở trong lòng chưa biết cái nào thắng, cho nên gầy. Nay cái nghĩa của tiên vương đã thắng cho nên béo".
Đó là vì cái khổ của cái chí không phải ở chỗ thắng người ta mà là ở chỗ thắng mình. Cho nên nói: "Kẻ nào tự thắng mình thì mạnh" (Chương 33),
 
22. Nước Chu có thẻ ngọc, Trụ sai Giao Cách đến hỏi thẻ ngọc, Văn Vương không cho. Sai Phí Trọng đến hỏi thì cho. Đó là vì Gia Cách hiền và Phí Trọng vô đạo. Nước Chu ghét người hiền đắc chí, cho nên giao cho Phí Trọng.
 
Văn Vương cất nhắc Thái Công ở bến sông Vị là quý ông ta, mà giao thẻ ngọc cho Phí Trọng là yêu (cái vô đạo) của ông ta. Cho nên nói: "Không quý thầy, không yêu cái của mình, tuy khôn ngoan nhưng làm như rất u mê, cái đó gọi là cái vi diệu chủ yếu" (Chương 27).

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyFri Sep 08, 2023 7:52 pm

                     Thiên XXII 

  Rừng chuyện, phần trên (Thuyết lâm, thượng)

 
 
1. Thành Thang đánh Kiệt xong nhưng sợ thiên hạ bảo mình tham bèn nhường thiên hạ cho Vụ Quang. Nhưng lại sợ Vụ Quang nhận lấy. Bèn sai người đến thuyết Vụ Quang: "Thang giết vua nhưng muốn truyền cái tiếng xấu cho ông nên nhường thiên hạ cho ông". Vụ Quang do đó nhảy xuống sông.
 
2. Tần Vũ Vương sai Cam Mâu tự chọn chức mình muốn làm, làm quan bộc hay làm quan hành. Mạnh Mão nói: "Không bằng ngài làm quan bộc, ngài giỏi về việc đi sứ. Tuy ngài làm quan bộc, nhà vua cũng khiến ngài đi sứ. Ngài vừa cầm ấn của quan bộc mà lại làm công việc của quan hành như thế là kiêm hai chức quan vậy".
3. Tử Ngữ gặp Khổng Tử ở nhà quan thái tể nước Thương. Khổng Tử đi ra, Tử Ngữ vào hỏi khách là ai. Quan thái tể nói: "Ta đã gặp Khổng Tử thì xem nhà ngươi nhỏ như con rận. Nay ta sẽ đưa ông ta đến yết kiến nhà vua". Tử Ngữ sợ Khổng Tử được nhà vua quý, nhân nói với quan thái tể: "Bệ hạ đã thấy Khổng Tử thì cũng sẽ xem ngài như chấy rận". Quan thái tể bèn thôi không gặp lại Khổng Tử nữa.
 
4. Vua Huệ Vương nước Nguỵ ăn thề ở Cựu Lý, muốn phục hồi lại uy quyền của thiên tử. Bành Hy nói với vua Trịnh: "Bệ hạ chớ nghe, nước lớn không thích có thiên tử. Chỉ nước nhỏ lợi về việc đó. Nếu bệ hạ cùng nước lớn không theo thì nước Nguỵ làm sao có thể cùng những nước nhỏ lập uy quyền của thiên tử được!".
 
5. Nước Tấn đánh nước Hình. Tề Hoàn Công sắp cứu. Bão Thúc Nhà nói: "Còn quá sớm, nước Hình không mất thì nước Tấn không mệt. Nước Tề chưa được trọng. Vả lại, cái công cứu một nước bị nguy không bằng cái đức bảo tồn một nước bị mất. Không bằng bệ hạ chậm cứu để làm cho
nước Tấn mệt. Nước Tề mới thực có lợi. Đợi cho nước Hình mất, rồi bảo tồn nó, cái tiếng mới thực đẹp". Hoàn Công bèn không cứu.
 
6. Tử Tư bỏ nước trốn chạy, người canh ở biên giới bắt được. Từ Tư nói: "Bề trên bắt ta vì ta có hạt châu đẹp. Nay ta đã mất nó rồi. Ta sẽ nói nhà ngươi lấy, rồi nuốt lấy". Người canh bèn thả ông ta.
 
7. Khánh Phong làm loạn ở nước Tề và muốn chạy trốn sang nước Việt. Người họ của ông ta hỏi: "Nước Tấn gần, tại sao lại không sang nước Tấn?". Khánh Phong đáp: "Nước Việt ở xa, lợi cho việc lánh nạn". Người trong họ nói: "Biến đổi là ở cái lòng kia, ở nước Tấn cũng được. Còn không thay đổi cái lòng kia thì nước Việt tuy ở xa, nhưng có thể được yên sao?".
 
8. Trí Bá đòi Nguỵ Tuyên Tử cho đất. Nguỵ Tuyên Tử không cho. Nhiệm Chương nói: "Tại sao lại không cho?". Tuyên Tử nói: "Vô cố xin đất, cho nên không cho". Nhiệm Chương nói: "Vô cố xin đất thì những nước láng giềng thế nào cũng sợ. Kẻ kia lòng tham không chán, thiên hạ thế nào cũng sợ. Bệ hạ cho ông ta đất, Trí Bá thế nào cũng kiêu ngạo và khinh địch.
Thiên hạ thế nào cũng sợ và thân với nhau. Lấy quân đội những nước thân với nhau để chống lại một nước khinh địch thì cái mạng của Trí Bá sẽ không dài.
 
Chu Tư nói: "Muốn đánh bại, thì hay giúp, muốn cướp lấy thì phải cho. Không bằng bệ hạ cứ cho để làm cho Trí Bá thành kiêu. Vả lại, bệ hạ tại sao không cùng thiên hạ mưu chống lại Trí Bá mà chi một mình làm con tin của họ Trí thôi?". Nhà vua nói: "Phải". Bèn cho Trí Bá một ấp có vạn nóc nhà. Trí Bá cả mừng. Nhân đấy đòi đất nước Triệu, nước Triệu không cho. Trí Bá bèn vây thành Tấn Dương. Nước Hàn, nước Nguỵ phản lại Trí Bá ở bên ngoài, họ Triệu hưởng ứng ở bên trong, họ Trí bị diệt.
 
9. Tần Khang Công dựng lên cái đài ba năm. Người Kinh cất quân định đánh nước Tề, Nhiệm Vọng bảo: "Cái đói gọi binh đến, cái bệnh gọi binh đến, cái vất vả gọi binh đến, cái loạn gọi binh đến. Bệ hạ xây cái đài ba năm. Nay người Kinh cất quân đánh nước Tề, thần sợ họ lấy tiếng là đánh nước Tề nhưng thực ra là đánh úp nước Tần. Không bằng phải phòng bị". Nước Tần đem binh giữ phía đông, người Kinh bỏ việc cất quân.
10. Nước Tề đánh nước Tống, nước Tống sai Tang Tôn Tử đi về phía nam cầu cứu nước Kinh. Nước Kinh cả mừng hứa sẽ cứu, rất vui vẻ. Tang Tôn Tử lo lắng trở về, người đánh xe hỏi: "Nhờ người ta cứu mà được cứu. Tại sao nay ngài lại có vẻ lo?". Tang Tôn Tử nói: "Nước Tống thì nhỏ mà nước Tề thì lớn. Phàm cứu nước Tống nhỏ mà bị nước Tề ghét là điều người ta vẫn lo. Nay nước Kinh cả mừng, chắc chắn là để làm cho ta kiên trì chiến đấu. Ta kiên trì chiến đấu mà nước Tề mệt. Đó là cái lợi của nước Kinh”. Tang Tôn Tử bèn trở về, quân Tề lấy năm thành của nước Tống mà quân cứu của nước Kinh không đến.
 
11. Nguỵ Văn Hầu mượn đường nước Triệu để đánh Trung Sơn, Triệu Túc Hầu không nghe. Triệu Khắc thưa: "Bệ hạ lầm rồi. Nước Nguỵ tấn công Trung Sơn mà không lấy được thì nước Nguỵ thế nào cũng bãi binh. Bãi binh thì thế nào nước Nguỵ cũng bị coi nhẹ. Nước Nguỵ bị coi nhẹ thì nước Triệu được coi trọng. Nước Nguỵ lấy được Trung Sơn thì nhất định không thể nào vượt qua nước Triệu mà có được Trung Sơn. Như vậy thì nước Nguỵ dùng binh mà nước Triệu được đất. Xin bệ hạ cứ cho mượn. Cho mượn mà vui mừng quá thì nước Nguỵ biết là nhà vua sẽ lợi về việc đó, thế nào cũng sẽ ngừng việc xuất chinh. Bệ hạ chi bằng cho mượn đường nhưng làm ra vẻ bất đắc dĩ".
12. Xi Di Tử Bì thờ Điền Thành Tử, Điền Thành Tử rời khỏi nước Tề, chạy sang nước Yên. Xi Di Tử Bì mang tín bài đi theo. Đến Vọng Ấp, Tử Bì nói với Điền Thành Tử: "Ngài không nghe chuyện con rắn ở cái đầm khô sao? Cái đầm khô, rắn định dời đi, con rắn nhỏ nói với con rắn lớn: "Anh đi mà tôi đi theo, thì người ta chỉ cho là rắn đi mà thôi, thế nào cũng giết anh. Không bằng anh với tôi cắn miệng nhau và anh cõng tôi mà đi, người ta sẽ cho tôi là vua thần ". Hai con rắn bèn cắn miệng nhau, cõng nhau mà bò qua đường cái nước Việt. Người ta đều tránh và nói: Đó là vua thần. Nay ngài đẹp mà tôi xấu, nếu ngài làm thượng khách của tôi thì tôi sẽ là ông vua có vạn cỗ xe. Nếu ngài làm người hầu của tôi thì tôi là quan khanh của nước có vạn cỗ xe. Không bằng ngài làm xá nhân của tôi".
 
Điền Thành Tử bèn mang tín bài đi theo ông ta. Đến quán, chủ quán đãi họ rất kính cẩn, dâng cho họ rượu thịt.
 
13. Người nước Ôn sang nhà Chu. Người Chu không nhận khách, hỏi: "Ông là khách phải không?". Người kia đáp: "Là chủ”. Khi hỏi những người cùng ngõ thì không biết. Viên lại bèn bỏ tù anh ta.
Nhà vua cho người hỏi anh ta: "Nhà ngươi không phải là người Chu nhưng lại bảo không phải là khách là tại làm sao?". Người kia đáp: "Tôi lúc còn nhỏ đọc Kinh thi. Kinh thi nói: 'Khắp dưới bầu trời không nơi nào không phải là đất của vua. Trên mặt đất cho đến ba biển không đâu không phải là bầy tôi của nhà vua'. Nay nhà vua là thiên tử thì tôi là bầy tôi của thiên tử. Có lý nào bầy tôi của thiên tử mà lại là khách của thiên từ sao?". Nhà vua bèn thả anh ta ra.
 
14. Hàn Tuyên Vương bảo Cừ Lưu: "Ta muốn dùng hai ông Công Trọng và Công Thúc có được không?". Cừ Lưu đáp: "Không được. Nước Tấn dùng sáu quan khanh mà đất bị chia. Giản Công dùng hai người là Điền Thành và Hán Chi mà Giản Công bị giết. Nước Nguỵ dùng hai ông Trương Nghi và Tê Thủ mà mất đất ở phía ngoài Tây Hà. Nay bệ hạ dùng hai người. Con người có thế mạnh sẽ lập bè đảng của mình. Con người có thế yếu sẽ nhờ quyền lực nước ngoài. Các bầy tôi bên trong lập bè đảng để kiêu với nhà vua, bên ngoài giao thiệp với nước ngoài để cắt đất thì cái nước của bệ hạ sẽ nguy vậy".
 
15. Thiệu Tích Muội ngủ say mất áo cầu. Vua nước Tống nói: "Say đến nỗi mất áo cầu sao?". Ông ta đáp: "Kiệt vì say mất thiên hạ, nên Khang cáo (trong Kinh thư) có câu: "Chớ mê rượu". Thường ham rượu thì thiên tử bỏ mất thiên hạ, thất phu bỏ mất thân mình".
 
16. Quản Trọng, Thấp Bằng theo Tề Hoàn Công đánh nước Cô Trúc. Mùa xuân ra đi, mùa đông về, lạc lối mất đường. Quản Trọng nói: "Cái khôn của con ngựa già có thể dùng được". Bèn thả con ngựa già đi trước và đi theo nó. Kết quả tìm được đường.
 Đi vào núi không có nước, Thấp Bằng nói: "Loài kiến mùa đông ở phía núi có nắng, mùa hạ ở phía núi có bóng mát. Nơi nào ổ kiến cao một tấc thì ở dưới có nước". Bèn đào đất ở chỗ ấy, kết quả có được nước. Bậc thánh như Quản Trọng, người khôn như Thấp Bằng nhưng gặp cái không biết thì không ngại học con ngựa già và con kiến. Ngay người không biết lấy cái lòng ngu dại của mình để thờ cái khôn của bậc thánh nhân làm thầy chẳng phải là sai sao?
 
17. Có người dâng thuốc bất tử cho vua nước Kinh. Viên quan coi việc tiếp khách cầm lấy đưa vào. Một viên trung xạ sĩ hỏi: "Thuốc này ăn được không? " Đáp: "Ăn được". Anh ta bèn giành lấy mà ăn.
Nhà vua giận lắm sai người giết viên trung xạ sĩ. Viên trung xạ sĩ nhờ người nói với nhà vua: "Thần hỏi viên quan tiếp khách có ăn được không, ông ta bảo ăn được nên thần mới ăn. Như thế là thần không có tội mà tội là tội viên quan tiếp khách. Và lại, khách dâng thuốc bất tử, thần ăn mà nhà vua giết thần thì đó là cái thuốc chết. Như thế là người khách lừa dối nhà vua. Phàm giết bầy tôi vô tội lại nêu rõ việc người ta lừa dối nhà vua thì không bằng tha thần". Nhà vua bèn không giết anh ta.
 
18. Điền Tứ nói dối vua nước Trâu. Vua nước Trâu định sai người giết anh ta. Điền Tứ sợ, nói với Huệ Tử. Huệ Tử yết kiến vua nước Trâu nói: "Nay nếu như có một người yết kiến nhà vua mà nhắm một con mắt thì như thế nào?". Nhà vua đáp " Nhất định ta giết hắn". Huệ Tử nói: "Người mù nhắm cả hai mắt thế sao nhà vua không giết?". Nhà vua nói. "Vì anh ta không thế không nhắm mắt ". Huệ Tử nói: " Điền Tứ phía đông lừa Tề Hầu, phía nam lừa vua Kinh. Tứ lừa người ta cũng như người mù nhắm mắt, tại sao bệ hạ oán ông ta làm gì?". Vua nước Trâu bèn không giết.
19. Lỗ Mục Công khiến các con hoặc làm quan ở nước Tấn, hoặc làm quan ở nước Kinh. Lê Sừ bảo: Nếu mượn người nước Việt để cứu đứa con đang chết đuối, người nước Việt tuy lội giỏi nhưng đứa con nhất định không sống được. Cháy nhà lấy nước ở ngoài biển thì nước ở ngoài biển tuy nhiều nhưng nhất định không dập tắt được ngọn lửa, vì nước ở xa không thể cứu được lửa ở gần. Nay nước Tấn và nước Kinh tuy mạnh nhưng nước Tề lại ở gần. Nước Lỗ gặp mối lo, sợ không cứu được chăng?".
 
20. Nghiêm Toại không tốt với Chu Quân. Chu Quân lo lắng. Phùng Thư nói: Nghiêm Toại là tướng quốc mà Hàn Khôi được vua nước Hàn quý. Chi bằng ám sát Hàn Khôi. Thế nào vua nước Hàn cũng cho rằng họ Nghiêm làm việc ấy.
 
21. Trương Khiển làm tướng quốc nước Hàn, bị bệnh sắp chết. Công Thăng Vô Chính mang ba mươi lạng vàng đến hỏi thăm sức khoẻ. Được một tháng vua Hàn thân hành đến hỏi Trương Khiển: "Nếu như ông chết đi, thì ai sẽ thay ông?". Trương Khiển đáp: "Vô Chính trọng pháp luật mà sợ người trên, tuy nhiên không bằng công tử Thực Ngã là người được lòng dân". Trương Khiển chết, nhà vua bèn cho Công Thặng Vô Chính làm tướng quốc.
22. Nhạc Dương làm tướng quốc nước Nguỵ đánh Trung Sơn. Con ông ta ở Trung sơn. Vua Trung Sơn nấu con ông ta và đem canh đến cho ông ta. Nhạc Dương ngồi ở trong trướng húp hết một bát. Văn Hầu nói với Đổ Sư Tán: "Nhạc Dương vì ta mà ăn thịt con mình". Đổ Sư Tán đáp: "Thịt con ông ta mà ông ta còn ăn được, thì ai mà ông ta không ăn?" Nhạc Dương đánh Trung Sơn trở về, Văn Hầu thưởng công cho ông ta nhưng nghi ngờ bụng của ông ta.
 
23. Mạnh Tôn săn được con nai con, sai Tần Tây Ba mang về. Con nai mẹ chạy theo mà kêu. Tần Tây Ba không nỡ, trả con nai con cho mẹ nó. Mạnh Tôn đến hỏi con nai con. Tần Tây Ba nói: "Tôi không nỡ nên trả cho mẹ nó". Mạnh Tôn rất giận, đuổi anh ta đi.
 Được ba tháng, Mạnh Tôn lại mời ông ta làm thầy học cho con mình. Người đánh xe hỏi: "Trước ngài muốn làm tội ông ta, bây giờ ngài lại mời ông ta làm thầy học cho con là tại làm sao?". Mạnh Tôn đáp: "Con người không nỡ làm hại con nai con thì lẽ nào lại nỡ làm hại con ta?". Cho nên có
câu: "Xảo trá không bằng vụng về nhưng thành thật". Nhạc Dương có công mà bị nghi ngờ, Tần Tây Ba có tội mà càng được tin.
 
24. Tăng Tùng Tử là người giỏi xem kiếm. Vua nước Vệ oán giận vua nước Ngô. Tăng Tùng Tử nói: "Vua nước Ngô thích kiếm, thần xin xem kiếm ha cho vua Ngô. Thần sẽ tuốt kiếm chỉ cho ông ta thấy, sau đó vì bệ hạ mà đâm". Vua nước Vệ nói: "Nước Ngô mạnh lại giàu, nước Vệ yếu lại nghèo. Ông đi đi. Tôi sợ ông vì vua Ngô thi hành điều ấy đối với tôi". Bèn đuổi đi.
 
25. Vua Trụ làm đôi đũa ngà mà Cơ Tử sợ, cho rằng có đũa ngà thì thế nào cũng không thể đựng canh ở trong bát sành, mà thế nào cũng phải dùng bát ngọc sừng tê. Bát ngọc đũa ngà thế nào cũng không dùng để ăn rau ăn đậu, mà phải ăn thịt voi, bao tử báo. Ăn thịt voi, bao tử báo thì thế nào cũng không mặc áo ngắn và không ở nhà tranh. Như vậy thì thế nào cũng phải mặc áo gấm, ở đài cao, nhà rộng. Làm thoả mãn những đòi hỏi đó thì thiên hạ cũng không đủ lòng tham cung cấp. Bậc thánh nhân thấy cái tối mà biết được cái sáng, thấy cái ngọn mà biết được cái gốc, cho nên nhìn thấy đôi đũa ngà mà biết cả thiên hạ cũng sẽ không đủ lòng tham.
26. Chu Công Đán đã đánh thắng Ân, định đánh Thương, Cái. Tân Công Giáp nói: "Nước lớn khó đánh; nước nhỏ dễ phục theo. Không bằng ta bắt những nước nhỏ phục theo mà làm cho nước lớn phải sợ". Bèn đánh Cửu Di mà các nước Thương, Cái đều thần phục.
 
27. Vua Trụ uống rượu suốt đêm, quên mất ngày là ngày nào. Hỏi những người chung quanh, tất cả đều không biết. Bèn sai người hỏi Cơ Tử.
 
Cơ Tử bảo với người theo mình: "Làm chủ thiên hạ mà cả nước đều không biết ngày thì thiên hạ nguy rồi. Cả nước đều không biết mà chỉ có ta biết thì ta nguy mất". Bèn viện cớ say không biết.
 
28. Có người nước Lỗ giỏi nghề bện dép, còn vợ anh ta làm nghề dệt lụa. Hai người muốn dời sang nước Việt. Có người bảo anh ta: "Anh thế nào cũng cùng khốn thôi". Người nước Lỗ nói: "Tại sao?". Người kia đáp: "Dép là để mang vào chân mà người Việt đi chân đất, lụa là để làm mũ mà
người Việt bỏ tóc xoã. Lấy cái sở trường của anh mà đi đến cái nước không dùng sở trường ấy, lại muốn không bị cùng khốn thì làm sao được?"
 
29. Trần Chẩn được vua nước Nguỵ quý trọng. Huệ Tử nói: "Thế nào cũng phải khéo phục vụ những người chung quanh nhà vua. Cây dương trồng nằm cũng mọc, trồng ngược cũng mọc, chặt mà trồng cũng mọc. Nhưng nếu mười người trồng mà một người nhổ thì không có cây dương sống. Lấy mười người trồng một giống cây dễ mọc mà không hơn được một người, tại sao thế? Bởi vì trồng thì khó nhưng nhổ thì dễ. Ông tuy khéo được nhà vua vun đắp nhưng nhiều người muốn gạt ông thì thế nào cũng nguy".
 
30. Quý Tôn nước Lỗ vừa mới giết vua của mình. Ngô Khởi làm quan với ông ta. Có người bảo với Ngô Khởi: "Người chết khi mới chết thì còn máu, sau đó máu sống thành máu khô, rồi máu khô thành tro và thành đất. Đến khi đã thành đất rồi thì không làm gì được nữa. Nay Quý Tôn mới làm chảy máu, sau này chưa biết ra rao". Ngô Khởi nhân đấy rời nước Lỗ sang nước Tấn.
31. Thấp Tử Di yết kiến Điền Thành Tử. Điền Thành Tử cùng ông ta lên đài nhìn bốn phía. Ba phía có thể nhìn ra xa, một phía bị cây ở nhà Thấp Tử che mất. Điền Thành Tử cũng không nói. Thấp Tử trở về sai người chặt cây. Chặt được vài cây thì Thấp Tử ngăn lại.
 
Bảo người nhà: "Xưa có câu tục ngữ nói: "Biết cá trong vực sâu là chuyện không lành”. Nay Điền Thành Tử sắp tính chuyện lớn nhưng ta cho ông ta biết rằng ta biết điều nhỏ kín thì thế nào cũng nguy, Không chặt cây chưa có tội, biết điều người ta không nói; cái tội ấy lớn". Bèn không chặt.
 
32. Dương Tử đi qua phía đông nước Tống vào quán trọ. Chủ trọ có hai người thiếp. Người xấu được yêu, người đẹp bị ghét.
 
Dương Tử hỏi tại sao, người chủ trọ nói: Người đẹp tự cho mình là đẹp cho nên tôi không thấy cô ta đẹp, người xấu tự biết mình xấu, cho nên tối không thấy cô ta xấu". Dương Tử bảo người em: "Người làm việc hay mà bỏ cái bụng tự cho mình là hay thì đi đâu mà chẳng được người ta cho mình là hay“.
 
33. Người nước Vệ gả con gái, dạy con: “Phải gom góp của riêng. Làm vợ mà bị bỏ là chuyện thường. Nếu lập được nhà mới là chuyện may". Cô con gái bèn về nhà lo gom góp. Mẹ chồng cho cô hay lo việc riêng nên đuổi cô ta.
 
Lúc về nhà, của cô ta nhiều gấp đôi so với khi về nhà chồng. Người cha không thấy mình có lỗi vì đã dạy con sai, nhưng tự cho mình khôn vì giàu thêm. Nay bọn bầy tôi làm quan đều thuộc loại này.
 
34. Lỗ Đan ba lần thuyết phục vua nước Trung Sơn nhưng nhà vua không nghe. Bèn bỏ ra năm mươi lạng vàng cho những người chung quanh nhà vua, rồi lại yết kiến. Chưa nói năng gì, nhà vua đã cho ông ta ăn.
 Lỗ Đan đi ra không quay trở về nhà trọ. Rồi rời khỏi Trung Sơn. Người đánh xe hỏi: "Tại sao ông lại rời bỏ?". Lỗ Đan nói: "Vì người ta nói mà đối xử tốt với ta, thì thế nào cũng sẽ vì người ta nói mà làm tội ta". Chưa ra
khỏi biên giới mà công từ ghét Lỗ Đan đã nói: "Ông ta vì nước Triệu đến do thám Trung Sơn". Nhà vua bèn cho tìm bắt ông ta để trị tội.
 
35. Điền Bá Đỉnh yêu kẻ sĩ mà bảo tồn được, nhà vua. Bạch Công yêu kẻ sĩ mà làm loạn nước Hình. Việc yêu kẻ sĩ như nhau, nhưng lý do yêu thì khác. Công Tôn Chi chặt chân mình mà tôn quý Bách Lý Hề, Thụ Điêu tự thiến mình mà gièm pha với Tề Hoàn Công. Việc tự huỷ hoại mình là như nhau, nhưng lý do làm thì khác nhau.
 
Huệ Tử nói: "Người điên chạy về phía đông. Kẻ đuổi theo anh ta cũng chạy về phía đông. Việc chạy về phía đông là như nhau, nhưng lý do chạy về phía đông thì khác nhau". Cho nên nói: "Thấy những người cùng làm một việc như nhau, ta không thể không xét lý do".

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyTue Sep 12, 2023 7:49 pm

QUYỂN VIII

 Thiên XXIII

 
 

                        Rừng chuyện, phần dưới (Thuyết lâm, hạ)

 
 
1. Bá Lạc dạy hai người xem tướng những con ngựa hay đá. Sau đó, ông cùng họ đến tàu ngựa của Giản Tử xem ngựa. Một người chọn một con ngựa hay đá ra. Người kia đi theo sau, ba lần vỗ vào hông ngựa, nhưng ngựa vẫn không đá. Người thứ nhất cho rằng mình đã xem tướng ngựa sai.
 
Người thứ hai nói: "Không phải ông xem tướng ngựa sai đâu. Con ngựa này là con ngựa vai thấp mà đầu gối sưng. Phàm con ngựa hay đá hễ cất chân sau lên thì chồm vó phía trước. Nhưng chân con ngựa này đau, nó không thể cất chân sau được. Ông giỏi xem tướng ngựa hay đá nhưng vụng xem đầu gối sưng".
 
Nói chung sự việc đều có cái lý do của nó cho nên mới như thế. Đó là điều chỉ một mình người khôn biết được mà thôi. Huệ Tự nói: "Nhốt con vượn vào chuồng thì nó cũng như con lợn". Cho nên tình thế đã không tiện thì không thể trổ tài được.
 
2. Tướng quân nước Vệ là Văn Tử yết kiến Tang Từ. Tang Tử không đứng dậy mà chỉ mời ông ta ngồi trên chiếu, còn mình vẫn ngồi ở góc tây nam (nơi tôn quý trong nhà). Văn Tử bảo người đánh xe: "Tăng Tử ngu thực! Nếu ông ta cho ta là người quân tử, thì sao lại không kính trọng người quân tử? Nếu ông ta cho ta là kẻ hung bạo thì sao lại có thể làm nhục kẻ hung bạo. Tăng Tử mà không bị nhục là may đấy!".
 
3. Có loài chim chu chu, đầu nặng mà đuôi cong. Muốn uống nước dưới sông thì ngã, phải có con chim khác ngậm lông nó nâng lên nó mới uống nước được. Con người uống nước mà chân không vững thì không thể không xét đến cái lông vũ của mình.
4. Con lươn giống như con rắn. Con tằm giống như con sâu. Người ta thấy con rắn thì sợ, thấy con sâu dựng tóc lên. Nhưng người ta đánh cá bắt lươn, người đàn bà nhặt tằm. Ở đâu có lợi thì ở đấy người ta đều là Mạnh Bồn, Chuyên Chư (những người can đảm).
 
5. Bá Lạc dạy con người, ông ta ghét xem tướng ngựa thiên lý mã, dạy con người, ông ta thường xem tướng ngựa thường. Ngựa thiên lý mã cả đời mới có một con, cái lợi của nó chậm. Ngựa thường ngày nào cũng có người bán, nên cái lợi nhanh. Đó là điều Chu thư nói: "Lời nói kém mà công dụng lại cao là nói dối".
 
6. Hoàn Hách nói: "Phép tạc tượng nên làm mũi lớn và mắt nhỏ! Mũi nếu đẽo lớn thì có thể nhỏ đi nhưng nếu đẽo nhỏ thì không thể làm lớn lên. Mắt nếu đẽo nhỏ thì có thể làm cho to lên nhưng nếu đẽo lớn thì không thể làm cho nó nhỏ đi. Làm việc cũng thế, nếu làm cái mà sau có thể chữa được thì việc ít sai".
 
7. Sùng Hầu và Ác Lai (những bầy tôi xấu của Trụ) biết Trụ không giết mình nhưng không thấy Vũ Vương sẽ tiêu diệt mình. Tỷ Can, Tử Tư biết vua của mình thế nào cũng mất nước nhưng không biết thân mình sẽ chết. Cho nên nói: "Sùng Hầu, Ác Lai biết lòng nhưng không biết sự việc, Tỷ Can, Tử Tư biết sự việc nhưng không biết lòng". Bậc thánh nhân biết cả hai.
 
8. Quan thái tể nước Tống là người sang và quyết định mọi việc. Quý Tử sắp yết kiến vua Tống. Lương Tử nghe vậy nói: "Lúc nói chuyện có quan thái tể cùng ngồi không? Nếu không sẽ không khỏi bị nghi". Quý Tử bèn nói chuyện coi trọng sức khoẻ mà coi nhẹ việc nước.
 
9. Dương Chu có người em là Dương Bố mặc áo trắng đi ra, trời mưa ông ta cất áo trắng, mặc áo đen về nhà. Con chó không biết cắn ông ta. Dương  Bố nổi giận, định đánh chó. Dương Chu nói: "Đừng đánh nó. Em cũng thế thôi. Thí dụ con chó của em lúc đi thì trắng, lúc về thì đen thì em không ngạc nhiên được sao?".
 
10. Huệ Tử nói: "Hậu Nghệ đeo cái vòng vào ngón tay, cầm cây cung gương lên bắn thì người Việt tranh nhau cầm cái đích cho ông ta. Nhưng khi đứa bé gương cung thì ngay mẹ nó cũng vào phòng đóng cửa lại". Cho
nên nói: "Nếu chắc chắn thì người Việt cũng không ngờ Hậu Nghệ, nếu không thể chắc thì ba mẹ hiền cũng trốn con trẻ tuổi của mình".
 
11. Hoàn Công hỏi Quản Trọng: "Cái giàu có giới hạn không?". Quản Trọng đáp: "Giới hạn của nước là chỗ không có nước. Giới hạn của cái giàu là cái giàu của mình đã đủ. Con người không thể tự ngừng ở chỗ đủ mà quên cái giới hạn của nó sao?".
 
12. Có người thương gia giàu nước Tống là Giám Chỉ Tử cùng người ta tranh mua một hòn ngọc sống là một trăm lạng vàng. Anh ta giả vờ đánh rơi nó và làm vỡ nó, lấy một trăm lạng vàng để đền. Sau đó chữa lại chỗ vỡ bán được một ngàn dật vàng. Công việc có khi bắt đầu thì thất bại nhưng người hiền vẫn làm là dựa vào cái thời.
 
13. Có người muốn dùng tài đánh xe để yết kiến vua nước Kinh. Những người đánh xe ghen với anh ta. Anh ta bèn nói: "Thần có thể đánh xe bắt được con nai". Anh ta yết kiến nhà vua, nhà vua đánh xe, không đuổi kịp con nai. Anh ta tự đánh xe đuổi kịp. Nhà vua khen tài đánh xe của anh ta. Anh ta nhân đó nói bọn đánh xe ghen ghét anh ta.
 
14. Nước Kinh sai công tử Triều sắp đánh nước Trần. Cha vợ công tử tiễn ông ta và nói: "Nước Tấn mạnh không thể không cẩn thận". Công tử nói: "Xin cha đừng lo, con xin vì cha đánh bại nước Tấn", cha vợ nói: "Được. Ta sẽ làm lều ở ngoài cửa nam của nước Trần (đợi tin anh chết)". Công tử hỏi: "Sao thế?". Đáp: "Ta cười Câu Tiễn. Nếu đánh nước người ta dễ dàng như thế thì làm sao một mình phải mười năm khó nhọc tính toán cẩn thận làm gì?".
 
15. Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do. Hứa Do bỏ trốn, ở trọ nhà một người nọ. Người này giấu cái mũ da của mình. Ôi! Bỏ thiên hạ mà người kia lại giấu cái mũ da của mình, thực là không biết Hứa Do vậy.
 
16. Ba con rận kiện nhau. Một con rận đi qua hỏi: "Kiện nhau việc gì thế?". Ba con rận nói: "Tranh chỗ héo bớ". Con rận kia nói: "Các anh không lo tháng chạp sắp đến người ta lấy cỏ tranh đốt đấy thôi. Như thế thì còn lo cái gì nữa?". Do đó, những con này xúm nhau lại cắn con lợn và hút máu. Con lợn gầy đi, người ta bèn không giết lợn.
17. Có con sâu tên là con vực, một thân có hai miệng. Hai miệng tranh ăn với nhau và cắn nhau. Kết quả giết nhau. Những bầy tôi tranh nhau phục vụ mà làm cho nước mất đều thuộc loại con vực kia.
 
18. Nhà sơn trắng, đồ đạc rửa thì sạch. Hạnh kiểm và thân người cũng thế, nếu không có nơi nào phải sơn và phải rửa nữa thì ít điều sai lầm.
 
19. Công tử sắp làm loạn. Tề Hoàn Công sai sứ giả đến xem ông ta. Sứ giả nói: "Cười không vui, nhìn không thấy, thế nào cũng làm loạn". Hoàn Công bèn khiến người nước Lỗ giết công tử Củ.
 
20. Công Tôn Hoằng cắt tóc làm quân kỵ cho nhà vua nước Việt. Công Tôn Hỷ sai người đến đoàn tuyệt với ông ta, nói: "Ta không là anh em với ngươi". Công Tôn Hoằng nói: "Tôi cắt tóc, ông cắt đầu vì người khác chiến đấu. Tôi còn nói gì với ông nữa?". Trong trận chiến đấu ở Chu Nam, Công Tôn Hỷ chết.
 
21. Có kẻ láng giềng với một người hung dữ, muốn bán nhà để tránh anh ta. Người ta nói: "Cái tội của hắn đã sắp đầy rồi, ông hãy nán đợi". Người này đáp: "Tôi sợ hắn dùng tôi để làm đầy cái tội của hắn". Bèn dời đi ngay. Cho nên có câu: "Khi sự vật bắt đầu nguy thì đừng có chần chừ".
 
22. Khổng Tử bảo học trò: "Ai có thể nói Tử Tây đừng mua danh?". Tử Cống nói: "Tứ này có thể nói được". Bèn nói, Tử Tây không nghi ngờ gì (Khổng Tử) nói: "Rộng rãi, không ham lợi, phải liêm khiết". Khổng Tử nói: "Bản tính dân có cái không thay đổi: xem cái gì cong là cong cái gì thẳng là thẳng, Tử Tây không khỏi nguy". Trong cái nạn của Bạch Công, Tử Tây chết. Cho nên có câu: "Ngay thẳng trong hành động là điều cong ở trong ham muốn”[25].
 
Trung Hàng Văn Tử từ nước Tấn chạy ra nước ngoài, đi qua huyện ấp. Người đi theo nói: “Người chủ ở đây là người quen cũ của ngài sao ngài không nghỉ ở nhà ông ta để đợi xe sau?”. Văn Tử nói: “Ta thường thích âm nhạc, ông ta cho ta một cây đàn cầm tốt. Ta thích đeo ngọc, ông ta biếu ta một cái vòng ngọc. Như vậy là ông ta nêu cao cái lỗi của ta để được ta dung nạp. Ta sợ ông ta sẽ dùng ta để được người khác dung nạp”. Bèn bỏ
đi. Quả nhiên người ấy bắt hai chiếc xe đi sau của Văn Tử để dâng cho vua của ông ta.
 
24. Chu Tháo nói với Cung Tha: “Ông nói giúp tôi với vua Tề rằng nếu vua Tề giúp tôi làm quan ở nước Nguỵ thì tôi xin lấy nước Nguỵ để thờ nhà vua”. Cung Tha nói: “Không được. Làm thế là chứng tỏ ông không có thế lực gì ở nước Nguỵ. Vua Tề nhất định không giúp một người không có thế lực ở nước Nguỵ để mang oán với nước Nguỵ. Không bằng ông nói: “Những điều bệ hạ muốn thần xin đem nước Nguỵ làm theo bệ hạ". Vua Tề thế nào cũng cho rằng ông có thế lực ở nước Nguỵ, và thế nào cũng giúp ông. Như thế là ông có được nước Tề lại nhờ đó mà có được cả Tề lẫn Nguỵ ".
 
25. Bạch Khuê bảo quan lệnh doãn nước Tống "Nhà vua lớn lên thông thạo chính sự thì ông sẽ không có việc gì để làm. Nay nhà vua ít tuổi mà ham danh, không bằng ông khiến nước Kinh khen nhà vua là có hiếu. Như thế thì nhà vua sẽ không đoạt mất địa vị của ông, và rất kính trọng ông. Như vậy là ông được dùng mãi ở nước Tống”.
 
26. Quản Trọng và Bão Thúc bảo nhau: "Nhà vua làm loạn quá thế nào cũng mất nước. Trong các công tử nước Tề những người có thể phò được nếu không phải là công tử Củ thì đó là công tử Tiểu Bạch. Tôi với anh mỗi người ta thờ một người, người nào đạt được trước thì dung nạp người kia". Quản Trọng bèn theo công tử Củ, Bão Thúc theo Tiểu Bạch.
 
Quả nhiên những người trong nước giết nhà vua, Tiểu Bạch về nước trước lên làm vua. Người nước Lỗ bắt Quản Trọng gửi sang nước Tề, Bão Thúc nói với vua Tề tiến cử ông ta làm tướng quốc.
 
Cho nên tục ngữ có câu: "Ông thầy cúng tuy có thể giỏi cầu cho người khác nhưng không thể tự cầu cho mình. Thầy thuốc nước Tần tuy khéo trị bệnh cho người bệnh nhưng không thể tự chích cho mình được". Bậc thánh nhân như Quản Trọng mà còn phải chờ cho Bão Thúc giúp mình. Cái đó ngạn ngữ dân gian gọi là "Người bán áo cẩu không mua nó để mặc, kẻ sĩ tự khen lời nói của mình nhưng không tin nó”.
 
27. Vua nước Kinh đánh nước Ngô. Vua nước Ngô sai Thư Vệ Quệ Dung khao quân Kinh. Tướng quân nước Kinh nói: "Bắt trói nó! Giết nó để lấy máu bôi vào trống". Sau đó hỏi: "Nhà ngươi đến trước đó có bói không?". Đáp: "Có bói". Hỏi: "Quẻ bói có tốt không?". Đáp: "Tốt". Người Kinh hỏi: "Thế tại sao nay tướng quân nước Kinh lấy máu ngươi bôi lên trống?". Đáp: "Chính vì vậy cho nên tốt đấy. Nước Ngô cho người đến để xem thử tướng quân có nổi giận hay không. Nếu tướng quân nổi giận thì nước Ngô sẽ đào hào sâu, đắp thành cao. Còn nếu tướng quân không nổi giận thì sẽ trễ nải. Nay tướng quân giết thần thì nước Ngô thế nào cũng cảnh giác gìn giữ. Vả lại, bói cho cả nước chứ không phải cho một mình tôi. Phàm giết một bầy tôi mà bảo tồn được một nước, không bảo là tốt thì là gì? Nói chung kẻ chết rồi thì không biết gì. Như vậy lấy máu tôi bôi trống sẽ vô ích. Còn nếu người chết biết thì lúc đánh nhau, tôi sẽ làm cho tiếng trống không kêu". Người Kinh vì vậy không giết ông ta.
 
28. Trí Bá sắp đánh nước Cừu Do, nhưng đường sá không thông. Bèn sai đúc một cái chuông lớn để biếu vua Cừu Do. Vua Cừu Do rất mừng, sửa sang đường sá định nhận.
 
Xích Chương Mạnh Chi nói: "Không được. Đây là việc nước nhỏ phải làm để thờ nước lớn. Nay nước lớn làm thế thì thế nào cũng có binh sĩ đi theo không thể nhận". Vua Cừu Do không nghe cuối cùng nhận chuông. Xích Chương Mạnh Chi bèn cưa trục xe cho ngắn (để đi đường hẹp) và chạy sang nước Tề. Được bảy tháng thì nước Cừu Do mất.
 
29. Nước Việt đã đánh thắng nước Ngô lại đòi quân của nước Kinh để đánh nước Tấn. Quan tả tử là Y Tương nói với vua nước Kinh: "Nước Việt đánh bại nước Ngô. Các kẻ sĩ hào kiệt chết, binh sĩ tinh nhuệ hết, binh sĩ mang áo giáp nặng bị thương. Nay họ lại đòi binh sĩ của ta để đánh nước Tấn đó là để biểu lộ cho ta thấy là họ không mệt. Không bằng ta cất quân cùng nước Tấn chia nước Ngô". Vua nước Kinh nói: "Phải".
 
Bèn cất quân đuổi theo quân Việt. Việt Vương nổi giận định đánh. Quan đại phu là Chủng nói: "Không được. Những kẻ sĩ hào kiệt của ta hết, binh sĩ mặc áo giáp nặng bị thương. Ta cùng đánh nhau với họ thì thế nào cũng không được, không bằng mua chuộc họ". Bèn cắt đất năm trăm dặm ở phía bắc Lộ Sơn để đút cho nước Kinh.
 
30. Nước Kinh đánh nước Trần, nước Ngô cứu nước Trần. Quân đội dàn ra ba mươi dặm. Trời mưa mười ngày mới tạnh. Quan tả sử Ỷ Tương nói với Tử Kỳ: "Mưa mười ngày, võ khí tập hợp và quân đội tụ tập quân Ngô thế nào cũng tới. Không bằng lo phòng bị".
 Quân Kinh bèn bày trận, trận bày chưa xong mà quân Ngô đã đến, nhìn thấy quân Kinh đã bày trận nên lui. Quan tả sử nói: "Quân Ngô lui sáu mươi dặm thì các tướng sẽ nghỉ và quân sĩ thế nào cũng phải ăn. Ta đi ba mươi dặm đánh họ thì có thể đánh bại". Người Kinh theo, kết quả đánh bại quân Ngô.
 31. Nước Hàn và nước Triệu sắp gây nạn cho nhau. Hàn Tử xin binh của nước Nguỵ, nói: "Xin cho mượn binh để đánh nước Triệu". Nguỵ Văn Hầu nói: "Quả nhân với nước Triệu là chỗ anh em, không thể theo được". Nước Triệu lại yêu cầu quân đội để đánh nước Hàn. Văn Hầu nói: "Quả nhân với nước Hàn là chỗ anh em, không dám theo". Hai nước không được binh nổi giận trở về. Sau đó mới biết Nguỵ Văn Hầu có ý giảng hoà cả hai bên nên đều đến chầu nước Nguỵ.
 
31. Nước Tề đánh nước Lỗ, đòi cái đỉnh đất Sầm. Người nước Lỗ gửi cái đỉnh giả đến. Người Tề nói: "Đỉnh giả". Người Lỗ nói: "Đỉnh thật". Người Tề nói: "Bảo Nhạc Chính Tử Xuân sang đây, ta sẽ nghe ông ta".
 
Nước Lỗ mời Nhạc Chính Tử Xuân, Nhạc Chính Tử Xuân nói: "Tại sao không đem cái đỉnh thật sang?". Nhà vua nói: "Ta yêu nó". Nhạc Chính Tử Xuân nói: "Thần cũng yêu chữ tín của thần".
 
32. Hàn Cữu được lập làm vua nhưng chưa ổn định. Người anh em ở nước Chu. Nước Chu muốn nâng đỡ ông ta, nhưng lại sợ người Hàn ghét không lập. Cơ Vô Khôi nói: "Không bằng đem trăm cỗ xe tiễn ông ta. Nếu ông ta được lập làm vua thì ta nói là để bảo vệ ông ta, nếu như ông ta không được lập làm vua thì nói là mang tên giặc đến".
 
33. Tịnh Quách Quân sắp đắp thành ở đất Tiết. Có nhiều người khách can. Tịnh Quách Quân bảo viên quan tiếp khách:" Đừng đưa khách vào". Có người nước Tề xin vào gặp, nói: "Thần chỉ xin nói ba tiếng mà thôi. Nếu quá ba tiếng, thần xin chịu nấu". Tịnh Quách Quân nói: "Xin ông vì quả nhân mà nói". Người khách rảo bước tiến lên nói: "Cá biển lớn" rồi chạy về. Tịnh Quách Quân nói: "Xin cho nghe cái thuyết của ông". Người khách nói: "Thần không dám đùa với cái chết". Tịnh Quách Quân nói: "Xin ông vì quả nhân nói".
 Người khách đáp: "Bệ hạ có nghe chuyện con cá lớn hay không? Lưới không chặn được nó, sợi dây không bắn được nó. Thế nhưng đi chơi lên ba thì đến kiến muốn làm gì cũng được. Nay nước Tề cũng là cái biển của bệ hạ, ngài vĩnh viễn có được nước Tề thì còn cần đất Tiết làm gì? Nếu bệ hạ bỏ mất nước Tề thì thành đất Tiết dù có cao lên tận trời cũng vô ích mà thôi". Tịnh Quách Quân nói: "Phải đấy". Bèn thôi không xây thành Tiết nữa.
 
35. Người em của vua nước Kinh ở nước Tần. Nước Tần không cho ông ta về. Viên trung xạ sĩ nói: "Cho thần một trăm lạng vàng, thần có thể đưa ông ta về". Anh ta bèn mang một trăm lạng vàng sang nước Tần. Anh ta yết kiến Thúc Hướng mà nói: "Em của vua nước Kinh ở nước Tần, nước Tần không cho vế. Xin biếu Thúc Hướng một trăm lạng vàng".
 Thúc Hướng nhận vàng vào yết kiến Tấn Bình Công nói: "Ta có thể xây thành Hồ Khâu rồi". Bình Công hỏi: "Tại sao?". Thúc Hướng đáp: "Em của vua nước Kinh ở nước Tần. Nước Tần không cho về. Như vậy là nước Tần ghét nước Kinh. Nhất định nó không dám cấm ta xây thành Hồ Khâu. Nếu như nó ngăn cấm thì ta nói: "Nếu vì ta cho em của vua Kinh về thì ta sẽ không xây thành! Nếu họ cho về thì ta sẽ có ơn với nước Kinh. Nếu họ không cho về là có ý xấu, nhất định không dám cấm ta xây thành Hổ Khâu". Bình Công nói: "Phải đấy".
 
Bèn xây thành Hổ Khâu và nói với vua Tần: "Nếu ngài vì tôi cho em của vua nước Kinh về thì tôi sẽ không xây thành". Nước Tần nhân đấy cho ông ta về. Vua Kinh cả mừng, đem một trăm dật vàng ròng cho nước Tấn.


36. Hạp Lư đánh Sính, đánh thắng ba trận. Hỏi Tử Tư: "Đã có thể rút lui chưa?". Tử Tư đáp: "Nhân người ta chết đuối cho người ta uống nước một lần rồi thôi thì sẽ không chết được. Phải cho uống nước luôn luôn. Không bằng thừa thế nhận chìm luôn".
 
37. Người nước Trịnh có đứa con sắp làm quan. Đứa con trai bảo người nhà: "Phải xây những chỗ tường hỏng để cho những kẻ bất thiện không ăn trộm được". Người trong ngõ cũng nói như thế. Chưa kịp sửa chữa thì quả
nhiên người ta ăn trộm. Anh ta cho con mình là khôn, mà cho người trong xóm đã nói thế là kẻ ăn trộm.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptySun Sep 17, 2023 7:22 pm

Thiên XXIV

 
 

                        Quan sát hành động (Quan hành)

 
 
1. Người đời xưa vì mắt không thể nhìn thấy mình được cho nên lấy gương để soi mặt. Vì cái khôn không tự biết mình được cho nên lấy cái đạo để sửa mình. Cho nên cái gương không có tội vì đã thấy những chỗ sẹo. Đạo không có thù oán vì đã làm rõ cái sai. Con mắt không có gương thì không thể dựa vào cái gì để sửa chữa râu mày. Thân mình không có đạo thì không thể dựa vào đâu để biết điều mê hoặc.
 Tây Môn Bảo tính nóng cho nên mang da thuộc ở chân để kiềm chế mình chậm lại. Đổng An Vu tính chậm cho nên đeo dây cung ở chân để thúc giục mình nhanh hơn. Cho nên lấy cái có thừa để bồi bổ cái không đủ, lấy cái dài để nối cái ngắn, gọi là bậc vua sáng. Trong thiên hạ có ba cái chắc chắn. Đó là người khôn có cái không thể làm được. Thứ hai, người mạnh có cái không nhắc lên được. Thứ ba, người khoẻ có cái không thể thắng được.
 
2. Cho nên dù có cái khôn của Nghiêu nhưng không được đám đông giúp đỡ thì cũng không thể lập được công lớn. Có cái mạnh của Ô Hoạch nhưng không được người ta giúp đỡ thì cũng không thể tự nhắc mình lên được. Có sức khoẻ của Mạnh Bôn, Hạ Dục mà không có pháp luật và thuật trị nước thì cũng không thắng mãi được. Ô Hoạch xem một ngàn cân là nhẹ mà xem thân mình là nặng, không phải vì thân anh ta nặng hơn ngàn cân mà vì cái thế không tiện. Ly Chu dễ thấy ngoài trăm bước mà khó thấy lông mi của mình. Không phải trăm bước là gần mà lông mi là xa, mà vì cái lẽ tự nhiên là không thể làm được điều đó.
 
Cho nên vị vua sáng không trách Ô Hoạch về chỗ không thể tự nhấc mình lên, không bắt bẻ Ly Chu về chỗ không thể tự thấy mình. Nhân cái thế có thể có để tìm cái đạo dễ làm, cho nên dùng sức thì ít mà kết quả lập được công danh.
Thời có lúc đầy lúc vơi, việc có cái lợi cái hoạ, vật có cái sống cái chết. Nhà vua nếu vì ba điều ấy mà biểu lộ vẻ mặt vui hay giận thì những kẻ sĩ quý như vàng, vững như đá sẽ rời bỏ mình.
 
3. Bậc thánh hiền ẩn giấu sâu vậy. Cho nên bậc vua sáng quan sát người ta mà không để cho người ta quan sát mình. Nếu hiểu rõ về chỗ Nghiêu không thể thành công một mình, Ô Hoạch không thể tự nhấc mình lên, Mạnh Bôn, Hạ Dục không thể tự thắng mình, nếu dùng pháp luật và thuật trị nước thì cái đạo quan sát hành động đầy đủ vậy.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyTue Sep 19, 2023 7:57 pm

thiên XXV

 
 

                        Cái yên và cái nguy (An nguy)

 
 
1. Có bảy thuật làm cho yên, có sáu đường làm cho nguy.
 
Những thuật làm cho yên là:
 
1) Một là, việc thưởng hay phạt là tuỳ theo chỗ làm đúng hay sai.
 
2) Hai là, hoạ hay phúc là tuỳ theo thiện hay ác.
 
3) Ba là, sống hay chết là tuỳ theo phép tắc và quy chế.
 
4) Bốn là, có người giỏi có người hư mà không có người yêu ghét.
 
5) Năm là, dùng thước, tấc chứ không dùng ý riêng để đo lường.
 
6) Sáu là, có người ngu, người khôn mà không có người chê người khen.
 
7) Bảy là, giữ chữ tín chứ không dùng việc dối trá.
 
Những đường lối làm cho yếu là:
 
1) Một là, đẽo gọt ở trong phạm vi làm mực.
2) Hai là, cắt chặt ở ngoài phạm vi pháp luật.
 
3) Ba là, lợi dụng cái làm cho người khác bị hại.
 
4) Bốn là lấy cái hoạ của người khác làm cái vui của mình.
 
5) Năm là, làm cho cái người ta được yên trở thành nguy.
 
6) Sáu là, không thân người mình thương, không xa người mình ghét.
 
Làm như thế thì người ta bỏ mất cái khiến cho cuộc sống vui và quên cái làm cho cái chết được xem trọng. Người ta không vui cái sống thì ông vua không được tôn trọng. Người ta không xem trọng cái chết thì mệnh lệnh không được thi hành.
 
2. Nếu khiến cho thiên hạ đều dốc hết cái khôn và cái tài của mình để làm việc làm mẫu mực, dốc hết sức để theo trật tự, thì khi động sẽ thắng khi tĩnh sẽ yên. Trị thế gian khiến cho người ta vui sống trong việc làm điều phải, yêu thân mình trong việc làm điều sai, thì người tiểu nhân ít mà người quân tử đông. Cho nên xã tắc luôn luôn vững, quốc gia yên ổn lâu dài.
 
Trên chiếc xe chạy nhanh không có Trọng Ni, dưới chiếc thuyền đắm không có Bá Di. Hiệu lệnh là thuyền là xe của nước. Nếu nước yên thì sự khôn ngoan và liêm khiết nảy sinh. Nếu nước nguy thì việc tranh giành và thô bỉ xuất hiện. Cho nên cái phép làm cho nước yên công như đói mà án rét mà mặc, không phải nhờ mệnh lệnh mà nhờ tự nhiên. Các tiên vương ghi lý thuyết trị nước ở thẻ tre và lụa. Đạo của họ thuận cho nên đời sau phục theo.
 
Nay khiến cho người ta bỏ ăn bỏ mặc thì dù  Mạnh Bôn, Hạ Dục cũng không thể thi hành được Nếu bỏ cái tự nhiên thì tuy thuận với đạo cũng không thể đứng vững được.
Khi bắt làm những điều mà những người dũng mãnh không thể làm được thì nhà vua không thể yên được. Nhà vua đòi hỏi không biết chán, người dưới đã hết thì họ sẽ trả lời không có, không có là khinh pháp luật. Pháp luật là cái để làm nên nước mà coi khinh nó thì công không được lập mà danh cũng không thành.
 
Nghe nói Biển Thước ngày xưa trị bệnh thì lấy dao chích vào xương, bậc thánh nhân cứu nguy cho nước dùng lời trung làm lỗ tai nghe khó chịu. Chích vào xương thì thân thể đau một chút nhưng nước được phúc lâu dài. Cho nên con người bị bệnh nặng có lợi ở chỗ nhịn đau. Ông vua có nghị lực lớn có phúc vì lỗ tai nghe lời khó chịu. Người bệnh chịu đau được cho nên Biển Thước trổ được tài khéo léo. Nhà vua chịu khó nghe lời chối tai thì Tử Tư không chết. Cái thuật được thọ và yên là thế.
 
Bị bệnh mà không chịu được đau thì làm hỏng mất cái khéo của Biển Thước. Người nguy mà không chịu nghe lời chối tai thì bỏ mất cái ý của bậc thánh nhân. Như vậy thì không thể duy trì được cái lợi lâu dài, và không lập được cái công danh lâu dài.

3. Các bậc vua chúa không tự sửa mình như Nghiêu mà lại bắt bầy tôi phải làm như Tử Tư, thì cũng như là yêu cầu dân nhà Ân đều phải là Tỷ Can. Nếu họ đều như Tỷ Can thì ở trên không mất nước mà ở dưới không suy vong. Nếu không cân nhắc cái sức của bầy tôi để cho không có Điền Thành[26], mà lại muốn người ta đều là như Tỷ Can thì nước không được một ngày yên. Nếu bỏ Nghiêu, Thuấn mà lập Kiệt, Trụ, thì người ta không thể vui với cái sở trường của mình mà lo về điều sở đoản của mình. Nếu bỏ mất cái sở trường thì nước nhà không có công lao. Nếu vua giữ cái sở đoản thì dân không có vui cuộc sống của mình. Nếu bề trên không có công mà lại khống chế những người không vui cuộc sống của mình thì không thể cai trị dân chúng được. Như thế thì ở trên không có cái gì để sai khiến người dưới, và người dưới không có cái gì để thờ bề trên.

 

4. Việc an và nguy là ở chỗ đúng hay sai chứ không phải ở chỗ mạnh hay yếu. Việc còn hay là mất là ở chỗ thực hay hư chứ không phải ở chỗ đông hay ít.

 

Cho nên nước Tề tuy là nước có vạn cỗ xe nhưng cái danh và cái thực của nó không phù hợp với nhau. Bề trên ở trong nước thì trống không, làm ho cái danh hợp với cái thực, cho nên bầy tôi ở dưới có cơ hội để cướp ngôi chúa.

 

Kiệt là thiên tử nhưng không phân biệt điều đúng điều sai, thưởng kẻ không có công, dùng kẻ gièm pha nịnh hót, xem kẻ dối trá là quý, giết người vô tội, sai cắt cái bướu những người trời sinh ra gù lưng, cho việc trá Nguỵ là phải, cho thiên tính là sai nên nước nhỏ thắng được nước lớn[27].

 

Bậc vua sáng vững chắc ở bên trong cho nên không sai sót ở bên ngoài. Sai lầm về cái ở gần mà lại không mất cái ở xa là điều không có. Cho nên nhà Chu cướp được nhà Ân là vì sự sai lầm ở triều đình. Ví thử nhà Ân không có lỗi ở triều đình thì nhà Chu sẽ không dám dòm đến sợi lông mùa thu ở biên giới. Còn nói gì đến việc thay đổi địa vị? Đạo của bậc vua sáng là đúng với pháp luật, pháp luật của ông ta hợp với lòng người. Cho nên khi cai trị thì theo đúng pháp luật, khi rời bỏ thì nghĩ đến đạo.

 

Nghiêu không có lời giao ước keo sơn với đời bấy giờ mà cái đạo được thi hành. Thuấn không có đất cắm dùi để lại đời sau mà cái đức có kết quả. Có thể lập nên cái đạo ở thời xa xưa, mà cái đức có kết quả. Có thể lập nên cái đạo ở thời xa xưa mà để lại cái đức cho muôn đời sau, đó gọi là bậc vua sáng.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyWed Sep 20, 2023 7:29 pm

 Thiên XXVI

 
 

                        Đạo giữ nước (Thủ đạo)

 
 
1. Bậc thánh vương làm ra pháp luật thì cái thưởng của ông ta đủ để khuyến khích điều thiện, cái uy của ông ta đủ để thắng điều hung bạo, sự chuẩn bị của ông ta đủ để làm cho công việc xong xuôi. Những bầy tôi ở đời trị an, nếu có nhiều công thì địa vị cao, nếu làm hết sức thì được thưởng hậu, người nào làm hết tinh thần thì danh tiếng được xác lập.
 
Cái thiện sinh ra như cây cỏ mùa xuân, cái ác chết đi như cây cỏ mùa thu. Cho nên dân được khuyến khích dốc hết sức mà vui vẻ trong việc tận tình làm việc. Cái đó gọi là trên dưới hoà hợp với nhau. Cho nên có thể khiến cho những kẻ dùng sức dốc sức để phục vụ quyền hành và muốn làm như Nhiệm Bí. Các chiến sĩ liều chết mà muốn làm như Mạnh Bôn, Hạ Dục. Nhưng người giữ đạo đều ôm lòng vàng đá, giữ tiết tháo như Tử Tư. Những người dốc sức như Nhiệm Bỉ. Những người chiến đấu như Mạnh Bôn. Hạ Dục, lòng như vàng đá thì nhà vua cao gối nằm mà cái đạo giữ nước đã trọn vẹn vậy.
 
2. Người giỏi giữ nước ngày xưa lấy cái mình xem là nặng để cấm cái mình cho là nhẹ, lấy cái mình cho là khó để cấm cái mình cho là dễ. Vì vậy cho nên những người quân tử và những kẻ tiểu nhân đều ngay thẳng. Đạo Chích, cùng với Tăng Sâm và Sử Thu đều liêm[28].
 
Tại sao lại biết thế? Nói chung kẻ trộm tham không đến khe suối để lấy vàng, vì đến khe suối để lấy vàng thì thân mình không được toàn vẹn. Mạnh Bồn, Hạ Dục không lượng sức địch thì không nổi tiếng là dũng mãnh. Đạo Chích nếu không tính toán thì cái lợi không thành. Bậc vua sáng đã cấm thì Mạnh Bôn, Hạ Dục thấy bị cản trở ở chỗ họ không thể thắng được. Đạo Chích thấy bị hại ở cái anh ta không thể lấy được. Như vậy thì kẻ hung bạo sẽ cẩn thận, kẻ gian tà sẽ trở lại ngay thẳng. Khi người rất dũng cảm cẩn thận, khi kẻ ăn trộm lớn ngay thẳng thì thiên hạ công bình, và bản tính dân thường ngay thẳng.
3. Nhà vua rời khỏi pháp luật và làm mất lòng người thì nguy sẽ bị Bá Di[29] lấy bừa bãi, mà không khỏi cái tai hoạ do Điền Thành, Đạo Chích gây nôn. Nay thiên hạ không có một Bá Di mà những kẻ gian đời nào cũng có, cho nên lập ra pháp luật và cách đo lường. Pháp luật và cách đo lường chắc chắn thì Bá Di không bỏ mất cái phải, mà Đạo Chích không thể làm điều bậy.
 
Pháp luật rõ ràng thì người hiền không cướp của kẻ kém, người mạnh không thể hiếp kẻ yếu, người đông không thể hung bạo với kẻ ít. Gửi thiên hạ cho cái phép tắc của Nghiêu thì kẻ sĩ thẳng thắn không bỏ mất chức phận của mình, kẻ gian không dám cầu may. Gửi ngàn vàng ở mũi tên của Hậu Nghệ thì Bá Di không thể mất mà Đạo Chích không dám lấy. Vua Nghiêu sáng suốt ở chỗ không để sót kẻ gian, cho nên thiên hạ không có người gian tà. Hậu Nghệ khéo ở chỗ không bắn mũi tên sai, cho nên ngàn vàng không mất. Người gian tà không thọ nên Đạo Chích dừng lại. Như thế thì người ta không kể chuyện Tề Dư, không nhắc đến sáu quan khanh, sách không chép Tử Tư, không nói chuyện Phù Sai, mưu lược của Tô Vũ Tử, Ngô Khởi bị bỏ, lòng của Đạo Chích chịu yên. Vua chúa yên nghỉ trong nhà ngọc không có cái lo trợn mắt, nghiến răng, nghiêng tai nghe ngóng. Bầy tôi cứ buông tay ngồi trong thành vàng mà không có cái hoạ tay bị trói, mím môi buông lời ta thán. Trị hổ mà không dùng chuồng, cấm gian mà không dùng pháp luật, ngăn chặn điều dối trá mà không dùng phù, đó là cái mà Mạnh Bôn, Hạ Dục lo, Nghiêu, Thuấn cho là khó.
 
Cho nên đặt chuồng ra không phải là để đề phòng chuột mà để cho những kẻ nhát gan có thể khắc phục được hổ. Lập pháp luật ra không phải để phòng bị Tăng Sâm, Sử Thu, mà để cho những ông vua tầm thường có thể ngăn chặn Đạo Chích. Làm phù không phải để đề phòng Vĩ Sinh[30] mà để cho những người thường không thể lừa dối nhau được.
 
Không nên riêng dựa vào chỗ Ty Can tử tiết, mà cầu may ở chỗ những bầy tôi làm loạn không dối trá. Trái lại, phải dựa vào cái khiến cho những người nhát có thể khắc phục được con hổ và cái làm cho vị vua tầm thường có thể dễ gìn giữ nước. Vào thời nay, lo cái kế trung cho vị vua chúa, kết đức với thiên hạ thì cái lợi không gì lâu dài hơn cái đó. Cho nên kẻ làm vua người ta không có cái cảnh mất nước, bậc trung thần không có cái cảnh mất thế lực.
Nếu biết nêu cao pháp luật thì thưởng, cho nên có thể khiến người ta dốc sức vào việc phục vụ quyền trên, tử tiết trong chức quan của mình, biết tình cảm của Mạnh Bôn, Hạ Dục không lấy cái chết để đổi lấy cái sống, những kẻ làm theo cái tham của Đạo Chích cũng không vì của mà đổi mạng mình. Như thế thì cái đạo giữ nước đầy đủ vậy.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptySat Sep 23, 2023 7:24 pm

Thiên XXVII

 
 

                        Dùng người (Dụng nhân)

 
 
1. Nghe nói những người xưa khéo dùng người thế nào cũng thuận theo trời, thuận theo người mà làm sáng tỏ việc thưởng và phạt. Thuận theo trời thì dùng sức ít mà công được lập. Thuận theo người thì hình phạt giản dị mà mệnh lệnh được thi hành. Soi sáng việc thưởng và phạt thì Bá Di. Đạo Chích không lẫn lộn. Như vậy thì trắng đen phân biệt.
 
Bầy tôi một nước trị an thì lập công cho nước để giữ địa vị, biểu lộ tài năng ở chức quan để nhận chức, dốc sức vào quyền lực để đảm nhiệm công việc. Bầy tôi đều làm đúng khả năng của mình, đủ sức làm chức quan, không kiêm nhiệm và không nuôi ý gì khác trong lòng, thì không ai tìm cách xin nhà vua cho kiêm thêm chức.
 
Cho nên bên trong không có cái loạn ôm mối oán giận, bên ngoài không có mối lo thua trận như Mã Phục (Mã Phục quân tức Triêu Quát bị quân Tần đánh bại ở Trường Bình). Bậc vua sáng khiến cho công việc không can thiệp vào nhau, cho nên không ai kiện tụng, khiến cho những kẻ sĩ không kiêm chức quan. Nhờ thế kỹ năng giỏi, khiến người ta không cùng công việc cho nên không ai tranh giành Việc tranh giành kiện tụng bị ngừng lại, kỹ năng giỏi được xác lập thì kẻ yếu người mạnh không tranh nhau đọ sức. Băng và than không hoà lẫn với nhau thì thiên hạ không ai làm tổn thương nhau việc trị an là cực điểm vậy.
 
2. Bỏ pháp luật và thuật trị nước mà lấy cái tâm để cai trị thì Nghiêu không thể chỉnh đốn được một nước. Bỏ cái quy, cái củ mà lấy ý mà đo đạc thì Hề Trọng (quan coi xe cộ của Hạ Vũ) không thể làm thành một bánh xe. Bỏ thước tấc để so sánh cái dài cái ngắn, thì Vương Nhĩ (tên người thợ khéo ngày xưa) không thể nêu được chỗ ở giữa. Nhưng nếu một ông vua trung bình nắm lấy pháp luật và thuật trị nước, một người thợ vụng giữ cái quy cái củ, cái thước cái tắc, thì vạn điều không sai, một điều. Kẻ làm vua chúa nếu có thể bỏ được cái điều mà người giỏi cũng không làm được để giữ lấy cái mà người vụng làm vạn điều không sai một thì sức người dùng được hết mà công danh được xác lập.
3. Bậc vua chúa sáng suốt lập nên cái thưởng có thể làm được, đặt ra cái phạt có thể tránh được. Cho nên người giỏi được cái thưởng khuyến khích mà không thấy cái hoạ của Ngũ Tử Tư, người hèn kém ít bị tội mà không thấy người gù bị cắt lưng. Người mù ở nơi bằng phẳng mà không ở vào nơi khe sâu. Người ngu giữ sự yên tĩnh mà không bị hãm vào nơi hiểm nguy. Như vậy thì cái ơn trên dưới mới tích luỹ được.
 
Người xưa có nói: "Khó biết được lòng người, cái vui cái giận khó đúng". Cho nên lấy cái đích bày ra cho mắt nhìn, lấy cái trống để nói với lỗ tai, lấy pháp luật để giáo dục cái tâm. Người làm vua bỏ ba cái phép dễ làm để thi hành cái tâm khó biết thì cái giận chất chứa ở trên, cái oán chất chứa ở dưới, lấy cái giận chất chứa dùng để khống chế cái oán chất chứa thì cả hai bên đều nguy.
 
Bậc vua sáng nêu lên cái dễ thấy, cho nên lập giao ước. Giáo hoá của ông ta để biết cho nên lời nói được dùng. Pháp luật dễ làm cho nên mệnh lệnh được thi hành. Ba cái được xác lập, mà ở trên không có lòng riêng tư, thì ở dưới có thể theo pháp luật mà trị. Nhìn theo đích mà hành động, theo dây mực mà đẽo, theo đường vạch mà may. Như thế thì ở trên không có tiếng xấu vì có bụng riêng tư, mà ở dưới cũng không bị giết vì ngu dại vụng về. Cho nên ở trên vua sáng mà ít nổi giận, ở dưới tân trung mà ít phạm tội.”
 
4. Nghe nói: "Nếu làm việc mà không lo lắng thì đến Nghiêu cũng không làm được", và ở đời chưa từng vô sự. Kẻ làm vua gặp kẻ không coi nhẹ tước lộc, không coi giàu sang là dễ thì không thể cùng anh ta cứu cái nước bị nguy khốn.
 
Cho nên bậc vua sáng trau dồi sự liêm sỉ mời những người nhân nghĩa. Ngày xưa Giới Tử Thôi không tước lộc mà theo Tấn Văn Công vì nghĩa. Không nỡ nhìn thấy chúa đói ông tỏ lòng nhân cắt thịt mình, cho nên bậc làm vua nhớ cái đức của ông sách và tranh vẽ ca ngợi cái danh của ông. Bậc làm vua vui về chỗ khiến người ta dốc sức vào việc ông mà khổ về chỗ kẻ làm việc tư cướp uy quyền. Kẻ làm bầy tôi người ta yên ổn về chỗ nhờ có năng lực được nhận chức vụ, mà khổ về chỗ một người gánh hai nhiệm vụ. Cho nên bậc vua sáng trừ bỏ cái bầy tôi cho là khổ và lập cái nhà vua lấy làm vui. Cái lợi của người trên kẻ dưới không gì lâu dài hơn thế. Nếu không xét việc trong của các nhà riêng, coi nhẹ các việc lớn, trị
tội nặng những kẻ phạm tội nhẹ nhớ lâu những lỗi nhỏ, thường khinh nhờn người ta để mua vui, nhiều lần lấy đức để đối xử với những kẻ gây hoạ, thì đó cũng như chặt tay rồi lấy ngọc để nối vào. Cho nên ở đời có mối lo mất ngôi.
 
Bậc làm vua chúa người mà lập ra những điều khó làm để trị tội những người không làm được thì các oán giận riêng sẽ sinh ra. Bầy tôi bỏ mất cái sở trường mà phải phục vụ những việc khó làm thì nỗi oán giận kín đáo tích tụ lại. Người khó nhọc vất vả không được vỗ về, người buồn bã lo lắng không được thương xót, khi vui thì khen kẻ tiểu nhân, người hiền và kẻ hư hỏng đều được thưởng. Khi giận thì huỷ báng người quân tử, khiến cho Bá Di và Đạo Chích đều bị nhục. Cho nên có bầy tôi phản chúa.
 
5. Ví thử vua nước Yên bên trong ghét dân mình mà bên ngoài yêu dân nước Lỗ thì người nước Yên sẽ không tuân theo ông ta mà người nước Lò sẽ không ủng hộ ông ta. Dân bị ghét thì không thể dốc sức lo việc công, người Lỗ được thích cũng thể quên cái lệnh bị giết để thân với ông vua khác. Như vậy thì bầy tôi sinh lòng hiềm khích mà nhà vua bị cô lập. Lấy bầy tôi sinh lòng hiềm khích để thờ ông vua bị cô lập cái đó gọi là mối nguy lớn.
 
Không ngắm kỹ cái đích mà cứ bắn bừa thì tuy có trúng cũng không phải là giỏi. Bỏ pháp chế mà nổi giận bừa bãi thì tuy có giết tróc nhưng kẻ gian cũng không sợ; Giáp làm tội mà Ất lại mang hoạ thì sự oán giận ngầm tích luỹ. Cho nên một nước thực sự trị yên thì có thưởng có phạt, nhưng không có vui không có giận. Tuy bậc thánh nhân có giết tróc, có người phạm vào hình pháp bị chết nhưng không phải là độc ác, cho nên bọn gian phục theo. Bắn tên thì trúng đích, thưởng và phạt thì chắc chắn đúng với việc làm cho nên Nghiêu sống lại, Hậu Nghệ lập lại. Như thế thì người trên không có mối lo của nhà Ân, nhà Hạ, người dưới không có cái hoạ của Tỷ Can. Nhà vua cao gối nằm chơi mà bầy tôi vui với nghề của mình, cái đạo che khắp trời đất và cái đức để lại muôn đời sau.
 
5. Phàm bậc làm vua nếu không bịt các lỗ hổng mà chỉ dốc sức vào việc sơn ở bên ngoài, thì khi gặp mưa to gió lớn thế nào nhà cũng sụp đổ.
 
Nếu không trừ bỏ cái hoạ ở lông mày, lông mi lại ham cái chết của Mạnh Bôn, Hạ Dục, nếu không cẩn thận về cái hoạ ở nơi tường vách mà lo củng cố cái thành vàng ở nơi biên giới xa xôi, nếu không dùng mưu kế của người hiền ở gần mà lo giao hiếu với cái nước có vạn cỗ xe ở ngàn dặm thì một sớm có trận gió nổi lên ắt Mạnh Bôn, Hạ Dục không thể cứu, và kẻ giao hiếu bên ngoài không đến kịp, hoạ không có gì lớn bằng.
 
Ở thời buổi nay, tính cái kế trung thành cho nhà vua thì nhất định không khiến cho vua nước Yên yêu người nước Lỗ, không khiến cho những người thời gần đây hâm mộ người hiền ở thời xưa, không nghĩ đến việc nhờ người Việt cứu người Trung Quốc bị chết đuối. Như vậy thì người trên kẻ dưới thân nhau, cái công ở bên trong lập được, cái danh ở bên ngoài thành được.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyFri Sep 29, 2023 7:48 pm

Thiên XXVIII

 
 

                        Công danh (Công danh)

 
 
1. Vị vua sáng suốt sở dĩ lập được công thành được danh là nhờ có bốn điều: một là thiên thời, hai là lòng người, ba là kỹ năng, bốn là cái thế và địa vị.
 
Nếu không có thiên thời thì dù có mười vua Nghiêu cũng không thể làm cho một bông lúa trổ vào mùa đông. Nếu trái lòng người thì dù có là Mạnh Bôn và Hạ Dục cũng không thể dùng hết sức người. Cho nên được thiên thời thì không lo mà tự sinh ra. Được lòng người thì không cần thúc giục mà người ta tự mình hăng hái. Dựa vào kỹ năng thì không phải giục mà người ta tự mình nhanh nhẹn làm. Được cái thế và địa vị thì không cần tiến mà cái danh thành lập. Điều đó cũng như nước chảy, như thuyền nổi. Nhà vua giữ cái đạo tự nhiên thi hành cái lệnh không cùng. Cho nên mới gọi là vị vua sáng.
 
2. Có tài mà không có thế thì dù có hiền cũng không thể khống chế được kẻ hư hỏng. Cho nên dựng một cái cây một thước ở trên núi cao thì nhìn được cái khe sâu ngàn nhận. Cây không phải là cao nhưng chỗ đứng của nó cao. Kiệt làm thiên tử thì có thể khống chế thiên hạ. Không phải vì ông ta hiền nhưng cái thế của ông ta nặng. Nghiêu làm kẻ thất phu thì không thể sửa đổi ba nhà. Không phải vì ông ta hư hỏng mà vì cái địa vị của ông ta thấp. Một ngàn cân đặt trên thuyền thì nổi, một tri một thù không có thuyền thì chìm, không phải vì ngàn cân thì nhẹ mà một tri một thù thì nặng. Đó là vì có thế hay không có thế.
 
Cho nên ngắn mà khống chế cao là nhờ địa vị. Hư hỏng mà khống chế người hiền là nhờ thế. Bậc vua chúa thì được thiên hạ nhất trí ra sức cùng nâng đỡ cho nên yên. Mọi người đồng lòng cùng lập ông ta lên cho nên ông ta được tôn quý. Bầy tôi giữ cái sở trường, dốc hết sở năng mình, cho nên trung. Lấy vị tôn chủ chế ngự người tôi trung thì cái vui lâu dài sinh ra mà lập được công danh. Cái danh và cái thực phù hợp với nhau mà hành, hình với bóng tương ứng với nhau mà thành, cho nên bầy tôi và nhà vua cùng có ý muốn như nhau mà có chức vụ khác nhau.
 
3. Cái lo của bậc vua chúa là ở chỗ không ai hưởng ứng mình. Cho nên có câu: "Một tay không vỗ được, tuy múa nhanh nhưng không thành tiếng". Mối lo của bầy tôi là ở chỗ không được chuyên làm một chức vụ. Cho nên nói: "Tay phải vẽ hình tròn, tay trái vẽ hình vuông thì không thể thành được cả hai". Do đó mới có câu: "Nước trị an cực điểm thì vua như cái dùi, bầy tôi như cái trống, sự khéo léo như cái xe mà công việc như con ngựa".
 
Cho nên người ta có sức thừa thì tiện cho việc hưởng ứng; kỹ thuật có cái khéo thừa thì tiện cho công việc. Nếu kẻ lập công không có đủ sức, những người thân cận không có đủ lòng tin, những kẻ thành danh không có đủ thế, những người ở gần không thân còn những người ở xa không liên kết được thì cái danh sẽ không xứng với cái thực. Bậc thánh nhân dù có đức như Nghiêu, Thuấn, có hạnh như Bá Di, nhưng địa vị không bao trùm được đời thì cái công không thành mà cái danh không nên được.
 
4. Cho nên những người xưa mà lập được công danh là nhờ dân chúng giúp sức. Những kẻ ở gần dùng lòng thành liên kết với họ, những người ở xa lấy danh mà khen ngợi, những kẻ tôn quý lấy thế mà nâng đỡ. Nhờ vậy mà cái công như Thái Sơn dựng lên được mãi mãi trong nước nhà và cái danh như mặt trời mặt trăng rực rỡ lâu dài trong trời đất. Chính vì vậy mà Nghiêu có thể quay mặt về hướng nam mà giữ lấy danh, Thuấn có thì quay mặt về hướng bắc mà biểu lộ công lao vậy.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyMon Oct 02, 2023 7:21 pm

 Thiên XXIX

 
 

                        Những điều căn bản của việc cai trị

 
 

                        (Đại thể)

 
 
1. Người xưa hiểu rõ cái đại thể của việc cai trị thì nhìn trời đất, ngắm sông biển, dựa vào núi hang. Như mặt trời mặt trăng chiếu sáng, bốn mùa vận chuyển, mây bay, gió thổi, không lấy cái khôn làm luỵ đến cái lòng mình, không lấy điều riêng tư làm hại đến mình. Gửi việc trị loạn ở pháp luật và thuật trị nước, gửi sự phải trái ở thưởng và phạt, giao việc nặng và nhẹ cho cái cân.
 
Họ không làm trái lẽ trời, không làm thương tổn đến tính tình, không bới lông tìm vết, không kỳ cọ cái nhơ bẩn để xét cái khó biết, không dây ra ngoài lằn mực, không dây vào trong lằn mực, không vội vã ở ngoài phạm vi pháp luật. Họ giữa cái lý lẽ đã xong xuôi, dựa theo tự nhiên. Hoạ và phúc là do đạo mà sinh ra chứ không phải do yêu hay ghét. Vinh và nhục là đòi hỏi ở mình mà không nằm ở người.
 
Cho nên ở cái đời hết sức trị yên thì pháp luật như sương buổi sáng, thần phác mà không lẫn lộn. Bụng không kết oán, miệng không có lời than phiền Cho nên xe ngựa không mệt mỏi trên đường xa. Cờ xí không rối loạn nơi đầm lớn. Muôn dân không chết vì giặc cướp. Những người dũng mãnh không bị chết vì cờ xí. Những người hào kiệt không nổi danh trong sử sách và tranh vẽ không ghi cộng nơi mâm chén, sách chép việc hàng năm để trống. Cho nên nói: "Lợi không có cái gì dài bằng sự đơn giản, phúc không có cái gì lâu bàng yên ổn".
 
2. Ví thử Tượng Thạch[31] sống lâu ngàn tuổi, tay cầm cái câu liêm, mắt nhìn cái quy củ, buông dây dọi để làm cho núi Thái Sơn thẳng đứng, ví thử Mạnh Bôn, Hạ Dục mang kiếm Can Cương để trị vạn dân, thì tuy họ dốc sức vào công việc và sống lâu đến đâu, núi Thái Sơn cũng không thể sửa ngay được mà dân cũng không thể trị an được. Cho nên có câu: "Người xưa chăn thiên hạ không khiến Tượng Thạch dùng hết sức khéo để làm hỏng hình dáng núi Thái Sơn, không khiến Mạnh Bôn, Hạ Dục ra uy để làm thương tổn đến bản tính của muôn dân”.
 
Dựa theo đạo mà hoàn thành pháp luật thì người quân tử vui mà kẻ đại gian ngừng. Nhàn nhã, yên tĩnh, dựa vào mệnh trời, nắm lấy cái đại thể, cho nên khiến cho người ta không phạm cái tội rời khỏi pháp luật, không có cái hoạ cá rời khỏi nước. Như vậy cho nên thiên hạ ít cái không làm được.
 
Bề trên không được như trời thì kẻ dưới không được che khắp. Lòng nhà vua không như đất thì vật không được chở hết. Núi Thái Sơn không có cái yêu cái ghét của mình cho nên thành được cái cao của nó, sông Gianh và biển không bỏ sự giúp đỡ nhỏ cho nên có thể có được sự giàu có của nó. Bậc đại nhân noi theo hình dáng của trời đất cho nên muôn vật đủ, để lòng nơi núi và biển cho nên nước nhà giàu có. Trên không có bụng oán giận, dưới không có mối lo oán ngầm. Trên và dưới thần phác với nhau, lấy đạo làm tiêu chuẩn. Cho nên chất chứa được cái lợi lâu dài, lập được cái công lao to lớn. Cái danh được lập ở trước, cái đức để lại ở sau, việc trị an đến cùng cực vậy.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Tri Âm Quán
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực
Tri Âm Quán


Tổng số bài gửi : 6340
Reputation : 2
Join date : 31/07/2013
Đến từ : Thị Trấn Chũ

HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 EmptyMon Nov 06, 2023 6:43 pm

QUYỂN IX

Thiên XXX

 
 

Sưu tập những chuyện bên trong, phần trên - Bảy thuật (Nội trữ thượng. Thất thuật)[32]

 
 
Có bảy thuật vua chúa dùng, có sáu điều vi diệu vua chúa phải xét. Bảy thuật ấy là:
 
1) Một là xem xét và so sánh các đầu mối.
 
2) Hai là phạt chắc chắn nêu cao uy quyền.
 
3) Ba là thưởng chắc chắn để dùng hết năng lực.
 
4) Bốn là nghe mọi người và bắt người dưới chịu trách nhiệm về điều đã nói.
 
5) Năm là ra những mệnh lệnh đáng ngờ và dùng mánh khoé để sai khiến.
 
6) Sáu là tập hợp những hiểu biết sự thực.
 
7) Bảy là đảo ngược lời nói và đảo ngược công việc.
 
Đó là bảy cái nhà vua dùng.
 
1) Xem xét và so sánh các đầu mối. Nếu nhìn và nghe mà không tham khảo những quan điểm khác nhau thì không thể nghe được sự thực. Nếu việc nghe lại phải qua một con đường riêng thì bầy tôi sẽ che đậy nhà vua. Thuyết này được chứng minh bằng chuyện anh hề lùn nằm mơ thấy cái bếp nấu ăn, chuyện Lỗ Ai Công nói người ta không theo mình cho nên bị mê. Chuyện người nước Tề trông thấy Hà Bá và chuyện Huệ Tử nói nhà vua đã bỏ mất một nửa trí khôn. Nếu không làm thế thì sẽ gặp những mối lo biểu lộ bằng việc Thụ Ngưu làm cho Thúc Tôn chết đói và Giang Ất nói đến phong tục nước Kinh. Chuyện Tự Công muốn cai trị nhưng không biết cách cai trị, cho nên khiến các quan thù địch với nhau. Vì vậy cho nên vị vua sáng chỉ cần xét chuyện chứa sắt mà có thể biết được mối lo của mọi người ở ngoài chợ.
 
2) Hình phạt chắc chắn. Nếu nhà vua thương yêu nhiều quá thì pháp luật không thể lập được. Nếu nhà vua ít uy thế thì người dưới sẽ lấn người trên. Cho nên hình phạt không chắc chắn thì lệnh cấm sẽ không được thi hành. Điều này được chứng minh bằng chuyện Đổng Tử đi thăm đất Thạch Ấp và chuyện Từ Sản dạy Dụ Cát. Cho nên Trọng Ni nói về sương rơi và pháp luật nhà Ân trừng trị những người để tro vương vãi. Chuyện những người sắp ra đi bỏ Nhạc Trì và chuyện Công Tôn Ưởng trị nặng những tội nhẹ. Nếu không làm thế thì vàng ở sông Lệ Thuỷ không được người ta giữ và lửa đầm không được người ta cứu. Thành Hoan cho rằng lòng nhân thái quá làm yếu nước Tề. Bốc Bì cho vua nước Nguỵ mất nước là vì nhân từ và thương người, Quản Trọng biết điều đó cho nên chém con người đã chết. Tự Quân biết điều đó cho nên mua người bỏ trốn để giết.
 
3) Việc khen và thưởng. Khen thưởng ít và dối thì người dưới không theo. Khen thưởng nhiều và chắc chắn thì người dưới coi thường cái chết. Điều này được chứng minh bằng chuyện Văn Tử nói các quan như nai như thú vật. Cho nên Việt Vương đốt cung thất và Ngô Khởi chống càng xe. Chuyện Lý Khôi căn cứ vào việc bắn tên để xử kiện. Chuyện người ở Sùng Môn nước Tống tự huỷ hoại thân mình mà chết. Câu Tiễn biết điều đó nên cúi chào con ếch nổi giận. Chiêu Hầu biết điều đó nên giữ kỹ cái quần cũ. Việc thưởng hậu khiến cho người ta đều là Mạnh Bôn, Chuyên Chư. Người đánh cá bắt con lươn chứng tỏ điều đó.
 
4) Nghe mọi người. Nghe một bên thì không thể phân biệt người ngu với người khôn. Nếu bắt người dưới chịu trách nhiệm thì các quan không giẫm đạp lên công việc của nhau. Điều này được chứng minh bằng chuyện đòi đất nước Trịnh và chuyện thổi sáo. Mối lo của nó được chứng minh bằng chuyện Thân Tử dùng Triệu Thôi và Hàn Đạp để thử ý nhà vua. Cho nên công tử Dĩ bàn về việc cắt đất Hà Đông và Ứng Hầu bàn mưu bỏ đất Thượng Đảng.
 
5) Giả vờ sai khiến. Cho gặp nhiều lần, tiếp đãi lâu nhưng không cho làm quan thì kẻ gian sẽ tẩu tán như bầy nai. Khiến người hỏi kẻ khác thì bầy tôi sẽ không dám bán ân huệ riêng. Điều này được chứng minh bằng chuyện Bàng Kính gọi công đại phu về và Đái Hoan bảo người tìm xem có cỗ xe mát nào không. Chuyện vua nhà Chu mất cái trâm bằng ngọc, chuyện quan thái tể nước Thương nói chuyện phân bò.
 
6) Tập hợp mọi sự khôn ngoan. Tập hợp những  người khôn để hỏi thì người không khôn sẽ thành khôn. Hiểu sâu một vật thì những điều kín đáo đều biến mất. Thuyết này được chứng minh bằng chuyện Chiêu Hầu nắm lấy một móng tay. Cho nên nếu biết chắc cửa phía nam thì ba cửa kia cũng biết. Vua nước Chu tìm cây gậy cong mà bầy tôi lo sợ, Bốc Bì sai người con thứ. Tây Môn Báo giả vờ bỏ rơi cái trục xe.
 
7) Đảo ngược lời nói. Đảo ngược lời nói và đảo ngược công việc để xét những điều mình ngờ vực thì biết được tình trạng gian dối. Cho nên vua Dương Sơn phỉ báng Cù Thụ, Trạc Xỉ là sứ thần nước Tần, người Tề muốn làm loạn, Tử Chi nói về con ngựa trắng, Tử Sản tách rời những người kiện nhau. Tự Công đi qua cái chợ ở cửa ải là những chuyện chứng minh điều đó[33].
 
1-1. Vào thời Vệ Linh Công, Di Tử Hà được nhà vua yêu chuyên quyền ở nước Vệ. Có anh hề lùn đến yết kiến nhà vua nói: "Giấc mơ của thần đã thành sự thực". Nhà vua hỏi: "Nhà người nằm mơ thấy cái gì?". Anh ta đáp: "Thần nằm mơ thấy cái bếp, tức là thấy nhà vua". Nhà vua nổi giận nói: "Ta nghe nói thấy nhà vua là nằm mơ thấy mặt trời, người làm sao thấy quả nhân mà lại nằm mơ thấy cái bếp?". Người lùn đáp: "Mặt trời soi sáng cả thiên hạ, không có vật nào có thể che đậy được. Ông vua soi sáng một nước, không có người nào có thể ngăn được. Cho nên sắp nhìn thấy nhà vua thì nằm mơ thấy mặt trời. Còn cái bếp một người đun lửa thì người sau lưng không còn thấy bếp nữa. Ngày nay có lẽ có người nào đứng trước nhà vua chăng? Như vậy thần tuy nằm mơ  thấy cái bếp cũng được chứ sao?".
 
1-2. Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: "Tục ngữ có câu: Vị vua không có nhiều người bàn bạc nên bị mê hoặc. Nay quả nhân làm việc cùng lo lắng với các quan, thế nhưng nước lại càng rối loạn là tại làm sao?". Khổng Tử đáp: "Vị vua sáng hỏi bầy tôi thì một người biết một người không biết. Như vậy vị vua sáng ở trên, bầy tôi bàn bạc ở dưới. Nay các bầy tôi mọi người đều đồng loạt theo Thúc Tôn. Cả nước Lỗ hoá thành một người. Bệ hạ dù có hỏi tất cả những người trong nước, nhưng nước cũng vẫn không khỏi loạn".
 
Lại có thuyết khác, Án Anh đi sứ sang nước Lỗ. Lỗ Ai Công hỏi: "Tục ngữ có câu: Không hỏi ba người thì bị mê hoặc. Nay quả nhân bàn với những người trong một nước, nhưng nước Lỗ vẫn loạn là tại làm sao?", Án Tử trả lời: "Sở dĩ ngày xưa nói không hỏi ba người thì bị mê hoặc là vì một người nói sai thì có hai người nói đúng, nên ba người đủ làm thành nhiều người. Cho nên không hỏi ba người thì bị mê hoặc. Nay bầy tôi nước Lỗ có hàng trăm hàng ngàn mà tất cả đều nói theo lợi riêng của họ Quý. Như vậy số người không phải không đông, nhưng lời nói là lời nói của một người. Làm gì có ba người?".
 
1-3. Có người nước Tề nói với vua nước Tề: "Hà bá là bậc thần lớn. Tại sao bệ hạ không thử gặp ông ta? Tôi xin làm cho bệ hạ gặp ông ta". Bèn dựng đàn tế ở trên sông và cùng đứng với nhà vua. Được một lát có con cá lớn nhảy. Anh ta liền bảo: "Hà bá đấy!".
 
1-4. Trương Nghi muốn dùng thế lực của nước Tần, nước Hàn, nước Nguỵ để đánh nước Tề, nước Kính. Trái lại, Huệ Thi muốn liên kết với nước Tề, nước Kinh để chấm dứt việc binh. Hai người tranh cãi nhau. Những bầy tôi và những người chung quanh nhà vua đều nói theo Trương Nghi, nêu cái lợi của việc đánh nước Tề, nước Kinh, trái lại không ai nói theo Huệ Thi. Nhà vua quả nhiên nghe theo lời Trương Nghi mà cho lời của Huệ Thi là không được. Sau khi việc đánh nước Tề, nước Kính đã quyết định xong, Huệ Thi vào yết kiến, Nhà vua bảo: “Tiên sinh đừng nói nữa. Việc đánh nước Tề và nước Kinh quả là có lợi. Cả nước đều nói thế”. Huệ Thi bèn đáp: “Bệ hạ không thể xem xét. Việc nước Tề và nước Kinh nếu quả thực là có lợi, và cả nước đều thấy là có lợi, thế thì sao người khôn lại đông đến như thế? Việc đánh nước Tề, nước Kinh nếu quả thực là bất lợi nhưng cả nước đều cho là có lợi, thì người ngu sao mà đông thế? Nói chung, đã bàn mưu là có ngờ vực. Nếu có sự nghi ngờ thực sự thì có một nửa cho là được một nửa cho là không được. Nay cả nước đều cho là được, như vậy là nhà vua bị mất một nửa đầu óc rồi. Ông vua bị các quan lấn át thường mất một nửa đầu óc”
 
1-5. Thúc Tôn làm tướng quốc nước Lỗ được sang và quyết định mọi việc. Người được ông ta yêu là Thụ Ngưu cũng lạm dụng những mệnh lệnh của Thúc Tôn, Thúc Tổn có người con lớn là Nhâm. Thụ Ngưu ghét và muốn giết anh ta. Bèn cùng Nhâm chơi ở nhà vua nước Lỗ. Vua nước Lỗ cho Nhâm một vòng ngọc. Nhâm lạy nhận vòng ngọc nhưng không dám mang, sai Thụ Ngưu xin phép Thúc Tôn
 Thụ Ngưu lừa anh ta và nói: "Tôi đã xin hộ anh rồi, ngài cho anh mang!". Do đó, Nhâm mang chiếc vòng ngọc. Thụ Ngưu bèn nói với Thúc Tôn: "Ngài sao không đưa Nhâm yết kiến nhà vua?". Thúc Tôn nói: "Thằng bé có gì mà đáng yết kiến nhà vua?". Thụ Ngưu nói: "Nhâm đã nhiều lần yết kiến nhà vua rồi đấy. Nhà vua cho anh ta một vòng ngọc, anh ta đã mang rồi". Thúc Tôn nổi giận, giết Nhâm.
 Anh của Nhâm tên là Bính. Thụ Ngưu lại ghen ghét Bính, muốn giết anh ta. Thúc Tôn vì Bính sai đúc một cái chuông. Chuông đúc xong, Bính không dám đánh, nhờ Thụ Ngưu xin với Thúc Tôn. Thụ Ngưu không xin lại lừa Bính, nói: "Tôi đã xin hộ anh rồi đấy. Ngài bảo anh đánh". Bính bèn đánh chuông.
 
Thúc Tôn nghe đánh bảo: "Bính không xin phép mà đã đánh chuông". Thúc Tôn nổi giận và đuổi Bính. Bính chạy sang nước Tề. Được một năm, Thụ Ngưu vì Bính xin hộ với Thúc Tôn. Thúc Tôn sai Thụ Ngưu gọi Bính về.
 
Thụ Ngưu lại không gọi về mà nói với Thúc Tôn: "Tôi đã gọi anh ta về nhưng Bính giận lắm không chịu về". Thúc Tôn cả giận sai người giết Bính.
 
Hai người con chết rồi, Thúc Tôn bị bệnh. Thụ Ngưu nhân đấy một mình nuôi Thúc Tôn và gạt bỏ những người chung quanh không cho vào, nói: "Thúc Tôn không muốn nghe tiếng người". Thúc Tôn vì thế không được ăn và chết đói. Thúc Tôn chết rồi, Thụ Ngưu không chịu phát tang, sai dời kho của cải và kho tiền, vơ vét hết các đồ quý giá mà chạy sang nước Tề.
Nếu nghe lời những người mình tin thì cha và con đều bị giết. Mối lo của tình trạng không nghe những lời nói khác nhau là như thế.
 
1-6. Giang Ất đi sứ cho vua Nguỵ sang nước Kinh. Giang Ất nói với vua Kinh: "Thần vào biên giới của bệ hạ nghe nói tục nước bệ hạ có câu: "Người quân tử không chê cái đẹp của người ta, không nói cái xấu của người ta, không biết có phải thế không?". Nhà vua nói: "Có đấy". Giang Ất nói: "Như vậy thì cái loạn của Bạch Công chẳng phải là nguy sao? Nếu quả thực như thế thì những bầy tôi có tội sẽ khỏi bị tội chết (vì không ai tố giác tội của họ)".

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
http://quoccuonglucngan.blogspot.com/
Về Đầu Trang Go down
https://triamquan.forumvi.com/
Sponsored content





HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀN PHI TỬ-HÀN PHI   HÀN PHI TỬ-HÀN PHI - Page 2 Empty

Về Đầu Trang Go down
 
HÀN PHI TỬ-HÀN PHI
Về Đầu Trang 
Trang 2 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Tri Âm Quán - Lục Ngạn - Bắc Giang :: Các Đạo Khác-
Chuyển đến