Người phương Đông thích phân loại con người thành người tốt và người xấu. Hầu như ai cũng tiến hành phân loại như thế đối với những người xung quanh. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ lưỡng một chút, người tốt cũng có nhiều điểm cần phải xem xét lại.
Tôi cho rằng, người tốt là người không cố ý làm tổn hại người khác, lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui. Dựa trên sự quan sát của tôi, thì người tốt có những đặc điểm sau:
Tuân thủ quy tắc trò chơi. Người tốt phần lớn có tính cách ngoan cường, không mềm dẻo, linh hoạt. Những việc mà trái với nguyên tắc, họ kiên quyết không làm.
Lương thiện, an phận. Trong bất cứ chuyện gì cũng tự giác đứng ở góc độ người khác để suy nghĩ vấn đề, không tham lam, không quá đáng.
Xử lý sự việc thường suy nghĩ, đắn đo. Bởi vì họ là người tốt, nên làm việc gì cũng đắn đo, suy nghĩ, chỉ sợ làm tổn hại người khác. Làm tổn hại người khác,họ sẽ cảm thấy không được thoải mái, tự tại.
Da mặt không dày.
Vì thế, người tốt thường vô dụng. Trong cạnh tranh, người xấu không thèm để ý đến quy tắc của trò chơi, nên đương nhiên họ sẽ được lợi. Người tốt cảm thấy làm thế này không được, làm thế kia cũng không được, tự trói tay chân của mình, đương nhiên sẽ chịu thiệt.
Ngạn ngữ có câu: ''Người tốt ở nhà thở dài, kẻ xấu lên sân khấu diễn kịch''. Người xấu thường ích kỷ, ngoan cố, không từ thủ đoạn. Có người dùng bốn chữ để mô tả về người xấu: mặt dày, tâm đen. Ngược lại, người tốt tâm không đen, mặt không dày. Người tốt thường đứng trên phương diện đạo đức để khinh thường người xấu. Người xấu thường đứng trên phương diện năng lực để khinh bỉ người tốt.
Người tốt không dễ bị chịu thiệt lớn. Đó chính là ưu thế của người tốt. Họ tích đức tích thiện, dù ít dù nhiều cũng có chút lợi tức. Người xấu thì tích lũy thù hận, một khi người khác có cơ hội báo thù, thì coi như mọi chuyện đến hồi kết. Trừng phạt kẻ xấu không phải là người tốt, mà là người xấu.
Người tốt cũng có những mức độ khác nhau: người tốt mù quáng, người thành thật và người đại nhân đại nghĩa. Người tốt mù quáng là người tốt một cách vô điều kiện, không quan tâm đến đối tượng, không để ý đến bản thân, không biết chừng mực. Có câu chuyện kể rằng, một người nông dân cảm thương cho một con rắn đang bị cóng lạnh. Ông ta ôm nó vào lòng để
hâm nóng cho nó, cuối cùng bị nó cắn chết. Người nông dân này chính là người tốt một cách mù quáng. Người tốt mù quáng là người không có cái tôi, thiếu khả năng phân tích, xét đoán.
Loại người này tuy làm việc tốt nhưng chưa chắc đã nhận được sự đền đáp xứng đáng, thậm chí còn phải gánh chịu ác báo, họ cũng thường bị người đời chê trách, coi thường.
Người thành thật, vừa suy nghĩ cho người khác, đồng thời cũng bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân. Tuy họ là người lương thiện nhưng lại không ngốc nghếch như loại người tốt mù quáng.
Người đại nhân đại nghĩa là cung bậc cao nhất trong số người tốt. ''Đại” tức là quan tâm đến mọi người, nhường cho người khác lợi ích, còn mình sẵn sàng chịu đựng sự hy sinh.
Thích Ca Mâu Ni từ bỏ ngai vàng, đi tìm cách để giúp cho chúng sinh thoát ra khỏi biển khổ của
cuộc đời.
Trong bản tính con người vốn có những nhân tố ác, người tốt cũng không ngoại trừ.
Người tốt cũng có thể biến thành người xấu, ranh giới giữa người tốt và người xấu luôn thay đổi chứ không đứng im một chỗ. Hơn nữa, trong số những người tốt có một loại người, bởi vì cơ hội và điều kiện chưa chín muồi, nên tạm thời làm người tốt.
Khi con người thay đổi góc nhìn, thì cách đánh giá, bình xét cũng có sự thay đổi.
Người tốt chính là sự đánh giá tổng hợp, sự thừa nhận của mọi người, không phải là kết luận chỉ riêng của một người. Người tốt cũng làm việc xấu. Tuy làm việc xấu họ vẫn là người tốt.
Người tốt luôn mang trong lòng sự lương thiện bẩm sinh.
Làm thế nào để làm một người tốt? Phải giữ được một trái tim lương thiện. Nhưng cũng không phải cứng nhắc, chỉ cần có tấm lòng Bồ Tát, thì vẫn có thể dùng thủ đoạn của bọn đạo tặc. Đừng bao giờ làm người tốt một cách mù quáng. Người tốt cần phải có năng lực. Nếu không sẽ không xứng đáng làm người tốt. Người không tự lo liệu được cho bản thân thì làm
sao có thể làm người tốt được? Người tốt cũng phải học tập người xấu, học tập sự ngoan cường của họ.
Một xã hội bình thường cần phải đảm bảo rằng người tốt chiếm đa số, chiếc la bàn đạo đức cũng phải chỉ về hướng thiện.
(sưu tầm và chỉnh sửa)