11. Phi chơn[20] tưởng là chơn thật, chơn thật lại thấy là phi chơn, cứ tư duy[21] một cách tà vạy[22], người như thế không thể nào đạt đến chơn thật.
Those who mistake the unessential to be essential and the essential to be unessential, dwelling in wrong thoughts, never arrive at the essential.
Kệ Tụng
Phi chân, tưởng chân thật
Chân thật, tưởng phi chân
Do tư duy tà vạy
Chân thật không thể thành.
12. Chơn thật nghĩ là chơn thật, phi chơn biết là phi chơn, cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt đến chơn thật.
Those who know the essential to be essential and the unessential to be unessential, dwelling in right thoughts, do arrive at the essential.
Kệ Tụng
Chân thật biết chân thật
Phi chân biết phi chân
Do tư duy chân chánh
Chân thật tự nhiên thành.
Lược Giảng
Sống trong vòng vọng tưởng nghiệp thức, con người luôn nhìn sự vật theo lăng kính chủ quan của mình. Do nhìn như thế, nên sự vật cũng lăn cuồn theo nhãn quan của họ. Ngược lại, những người đạt đạo có cái nhìn khác hơn. Cái nhìn của các Ngài là cái nhìn khách quan. Cái nhìn không bóp méo vo tròn sự vật. Bởi vì: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” (Kinh Pháp Hoa). Mọi vật, vật nào ở theo vị trí của vật đó. Tướng của nó là thường có mặt ở thế gian như thế. Trong Phẩm Phương Tiện của Kinh Pháp Hoa cho chúng ta thấy rõ hơn về sự có mặt của các pháp bằng cái nhìn của “Thập Như Thị”: “Như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh”. Nghĩa là các pháp hiện đời nầy, Tướng của nó như vậy, Tánh của nó như vậy, Thể của nó như vậy, Lực của nó như vậy, Tác dụng của nó như vậy, Nhân của nó như vậy, Duyên của nó như vậy, Quả của nó như vậy, Báo của nó như vậy, và rốt ráo gốc ngọn trước sau của nó là như vậy. Đó là cái nhìn “Hiện lượng” hay “Trực giác” ở nơi các pháp. “Sự vật phi chơn mà tưởng là chơn, ngược lại, chơn thì cho là phi chơn”, đó là cái nhìn điên đảo. Cái nhìn của kẻ chạy dưới ánh trăng, thấy trăng chạy theo mình. Nhưng thật ra trăng nào có chạy. Vọng kiến, gốc bởi vô minh điên đảo mà ra. Bởi do phóng cái nhìn vọng động điên đảo như thế, nên nhơn loại mới có chiến tranh ý thức hệ. Rốt lại cũng chỉ làm cái việc của năm anh mù sờ voi mà thôi. Người nào hằng sống trong chánh niệm, thiền quán sâu sắc, mới có cái nhìn sự vật một cách đúng đắn. Pháp cú thứ 12, Phật dạy chúng ta phải có cái nhìn đúng như thật của các pháp. “Chân thật nghĩ là chân thật, phi chân biết là phi chân”, nhìn bằng con mắt trí tuệ như thế, thì thử hỏi trên đời nầy, còn có cái gì lường gạt, lừa bịp chúng ta được nữa chớ! Và như thế, thì chúng ta còn đi tìm chân hạnh phúc ở đâu? Cuối cùng hạnh phúc chỉ ở trong tầm tay của chúng ta mà thôi. Chỉ cần chúng ta mạnh dạn, khéo biết thay đổi lối nhìn đúng như thật của các pháp, thì chúng ta sẽ có nguồn hạnh phúc yêu thương tràn trề. Còn niềm vui nào hơn! Tại sao chúng ta không chịu thay đổi lối nhìn? Xin đừng viện lý do “tại bị” gì cả. Chúng ta đã có quá nhiều “Lý Do Tại Bị” lừa đảo chúng ta. Xin mọi người hãy thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm lên để nhìn vào sự vật. Chánh niệm đồng nghĩa với hạnh phúc. Nơi nào có hạnh phúc, thì chắc chắn nơi đó không thể thiếu vắng chánh niệm được vậy.
13. Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột thế nào, kẻ tâm không tu[23] tất bị tham dục[24] lọt vào cũng thế.
Just as rain breaks through an ill-thatched house, so passion penetrates an undeveloped mind.
Kệ Tụng
Như mái nhà vụng lợp
Mưa thấm dột dễ dàng
Cũng vậy tâm vụng tu
Tham dục dễ thâm nhập.
14. Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột, kẻ tâm khéo tu tất không bị tham dục lọt vào.
Just as rain does not break through a well-thatched house, so passion never penetrates a well-developed mind.
Kệ Tụng
Như mái nhà khéo lợp
Mưa khó thấm dột vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham dục không xâm nhập
Lược giảng
Pháp cú song hành nầy, đức Phật nêu ra một hình ảnh so sánh rất cụ thể dễ hiểu. “Nhà lợp không kín, ắt bị mưa dột”. Đây là lý đương nhiên. Muốn nhà không dột, thì phải lợp kín đáo. Khi lợp kín đáo, thì ta tránh khỏi cái cảnh bị mưa ướt. Hình ảnh nầy,Phật muốn diễn tả cho chúng ta thấy rõ sự tai hại, hậu quả của kẻ lợp nhà cẩu thả, thiếu sự cẩn trọng. Cũng thế, người tu hành, nếu không khéo giữ gìn ở nơi ý nghiệp, để cho tâm ý buông lung tạo nghiệp bất thiện, thì hậu quả rất là tai hại. Giống như mái nhà lợp không kín vậy. Ngược lại, nếu người nào, khi lợp nhà nên để ý cẩn trọng và quyết lòng lợp cho kín đáo, thì làm gì có cảnh nhà dột? Cũng vậy, trong khi tu hành, nếu chúng ta khéo biết cẩn trọng canh phòng giữ gìn con “vượn tâm và con ngựa ý”, thì làm gì chúng dẫm đạp phá phách được. Hai câu pháp cú nầy, tuy hết sức ngắn gọn, nhưng Phật đã chỉ cho chúng ta biết cách tu hành, điều phục tâm ý. Người tu, muốn có được đời sống tự do, không bị ràng buộc bởi ngoại cảnh, thì chúng ta khéo áp dụng câu pháp cú thứ 14 nầy. Tham dục phát sanh từ tâm. Nếu tâm đình chỉ, không dấy khởi suy nghĩ điều ác, thì làm gì nó thúc đẩy thân và miệng của ta tạo điều ác. Muốn giữ tâm ý cho được thanh tịnh, thì người tu cần phải giữ gìn giới luật nghiêm mật. Phải giữ giới luật như lợp nhà, không cho có kẻ hở. Có giữ giới như thế, thì ta mới có được đời sống thoải mái tự do. Tại sao vậy? Bởi vì khi giữ giới, thì tâm ý của ta không buông lung. Tâm ý không buông lung, thì không tạo nghiệp ác. Dụ như người không trộm cắp, thì làm gì sợ pháp luật, cảnh sát bắt bớ giam cầm. Ta muốn đi đâu tùy ý, không sợ ai cả. Như vậy, không tự do là gì? Nếu người Phật tử tại gia giữ gìn đúng 5 giới luật Phật cấm, thì bảo đảm đời sống thật sự tự do và hạnh phúc .Chẳng những an vui hạnh phúc trong hiện đời, mà đời sau cũng được an vui tốt đẹp nữa.
15. Ở chỗ nầy ăn năn, tiếp ở chỗ khác cũng ăn năn, kẻ làm điều ác nghiệp[25], cả hai nơi đều ăn năn; vì thấy ác nghiệp mình gây ra, kẻ kia sinh ra ăn năn và chết mòn.
The evil-doer grieves here and here-after; he grieves in both the worlds. He laments and is afflicted, recollecting his own impure deeds.
Kệ Tụng
Nay buồn, đời sau buồn
Kẻ ác hai đời buồn
Buồn nản, tự hủy diệt
Thấy việc ác mình làm.
16. Ở chỗ nầy vui, tiếp ở chỗ khác cũng vui, kẻ làm điều thiện nghiệp[26], cả hai nơi đều an vui; vì thấy thiện nghiệp mình gây ra, người kia sinh ra an lạc và cực lạc.
The doer of good rejoices here and hereafter; he rejoices in both the worlds. He rejoices and exults, recollecting his own pure deeds.
Kệ Tụng
Nay vui, đời sau vui
Kẻ thiện, hai đời vui
An vui, quá an vui
Thấy việc thiện mình làm.
Lược giảng
Ăn năn là một trong 4 món Bất định tâm sở của Duy Thức Học. Ăn năn cải hối có hai phương diện: thiện và ác. Thế nào là ăn năn ác? Thí dụ: mình thấy một món đồ chưng bày quý giá thật đẹp, định lén lấy, nhưng vì lu bu công việc gì đó, mình lại quên không lấy, sau đó, nhớ lại, tự ăn năn hối tiếc, rồi tự trách tại sao mình quên lấy. Cứ mãi hối tiếc đồ vật ấy, gọi đó là ăn năn ác. Hơn thế nữa, khi mình vì một cơn nóng giận nổi lên không kềm chế được, ra tay giết chết người, sau đó, cảm thấy rất hối hận ăn năn việc mình đã gây. Sự ăn năn đó, tuy cũng còn có chút lương tâm biết cải hối, nhưng đã có gây nhân, tất nhiên sẽ có quả báo. Sự thống trách hối tiếc ăn năn là chuyện đã rồi. Dù đó là chuyện đã qua, nhưng không thể qua được lương tâm cắn rứt dày vò ở nơi chính mình. Tòa án lương tâm của mình nó không để mình yên. Một sự trừng phạt, xét xử dai dẳng rất thích đáng. Chính vì sự thống hối ăn năn nầy, nó làm chướng ngại rất lớn trên bước đường tu của chúng ta. Cho nên, câu pháp cú 15 trên, đức Phật khuyên chúng ta không nên gây tạo nghiệp ác. Một khi đã gây tạo nghiệp ác, thì hiện đời, dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng không thể nào tránh khỏi quả báo và do đó, nên tâm hồn của chúng ta lúc nào cũng bấn loạn bất an. Muốn được tâm an lạc, tốt hơn hết là chúng ta đừng gây tạo nhân ác. Có người suốt cả đời, sống trong sự hồi hợp lo âu không bao giờ an ổn, vì đã làm một việc ác đức bất nhân. Việc làm ác đó, tuy vô hình, nhưng nó cứ bám theo ám ảnh cho đến ngày chúng ta nhắm mắt. Muốn tránh hậu quả tai hại nầy, chúng ta phải luôn tỉnh thức trong mọi hành động. Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến cái hậu quả của nó. Người nào có tâm ý cẩn trọng như thế, thì đời sống của họ sẽ được lợi lạc an vui trong từng giây phút.
Câu pháp cú thứ 16, Phật cho chúng ta thấy rất rõ hình ảnh an vui đó. Trong một ngày, hay bất cứ thời gian nào, nếu chúng ta luôn luôn tạo nghiệp lành như cứu vật, giúp người v..v.. thì ngày ấy, hay bất cứ ở đâu, chúng ta cũng cảm thấy rất an vui hạnh phúc. Trước khi ngủ, chúng ta mỉm cười nhẹ trên môi. Và trong giấc ngủ sẽ đem lại nhiều mộng đẹp. Đó là một tâm hồn rất thư thái, thanh thoát nhẹ nhàng. Hiện đời đã được an vui như thế, lo gì đời sau không được an vui. Chúng ta cứ thực nghiệm qua lời Phật dạy nầy, thì chúng ta mới thấy được cuộc sống rất có hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc quý giá, chính do chúng ta tạo lấy. Một thứ hạnh phúc không thể mua được bằng tiền. Xin mời các bạn hãy thử thực nghiệm qua, sẽ thấy được hiệu quả tốt đẹp, thú vị của đời sống.
17. Ở chỗ nầy than buồn, tiếp ở chỗ khác cũng than buồn, kẻ gây điều ác nghiệp, cả hai nơi đều than buồn: nghĩ rằng “tôi đã tạo ác” vì vậy nên nó than buồn. Hơn nữa còn than buồn vì phải đọa[27] vào cõi khổ.[28]
The evil-doer suffers here and here-after; he suffers in both the worlds. The thought, “Evil have I done”, torments him, and he suffers even more when gone to realms of woe.
Kệ Tụng
Nay than, đời sau than
Kẻ ác, hai đời than
Than van: “Mình làm ác”
Đọa ác thú, than hơn.
18. Ở chỗ nầy hoan hỷ, tiếp ở chỗ khác cũng hoan hỷ, kẻ tu hành phước[29] nghiệp, cả hai nơi đều hoan hỷ[30]: nghĩ rằng “tôi đã tạo phước” vì vậy nên nó hoan hỷ. Hơn nữa còn hoan hỷ vì được sanh vào cõi lành.[31]
The doer of good delights here and here-after; he delights in both the worlds. The thought, “Good have I done”, delights him, and he delights even more when gone to realms of bliss.
Kệ Tụng
Nay sướng, đời sau sướng
Kẻ thiện, hai đường sướng
Sung sướng: “Mình làm thiện”
Sướng hơn, sanh thiện thú.
Lược giảng
Buồn là một trạng thái tâm lý, không một ai thoát khỏi, ngoại trừ các bậc Thánh nhơn. Buồn có nhiều nguyên nhân. Có đôi lúc ta buồn một cách ngớ ngẩn. “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Buồn than là chuyện thường tình ở thế gian. Vì nó là một trong nhiều thứ chi mạt phiền não. Có người buồn, do ngoại cảnh gây nên, vì ai đó làm cho họ trái ý nghịch lòng. Người ta thường nói: “Tâm sầu bạch phát”. Như trường hợp Vương Hóa buồn nhớ Tiểu Long Nữ, chỉ có một đêm thôi, mà trên đầu bạc trắng. Thật là tội nghiệp!
Buồn là một độc tố nguy hiểm âm thầm giết chết ta từng giây phút. Có người vì quá buồn rầu nên sanh bệnh hoạn không thuốc nào chữa hết. Người nào mang tâm trạng buồn nhiều thì cuộc đời của họ khác nào như bãi tha ma! Trong cuộc sống, nếu chúng ta biết quăng đi những gánh nặng lo âu, thì cuộc đời sẽ vui sướng đẹp đẽ biết bao! Cụ Nguyễn Hiến Lê có viết một tác phẩm với nhan đề là:”Quăng gánh lo đi và vui sống”. Chúng ta nên cố gắng bắt chước học hỏi câu nói nầy. Được thế, thì chắc chắn hoa và trái sẽ nở rộ trên cây “Hỷ Xả”. Sở dĩ ta buồn nhiều, vì ta quá coi trọng bản ngã. Càng coi trọng bản ngã chừng nào, thì lòng tự ái của ta càng cao chừng nấy. Người mà ôm ấp quá nhiều tự ái, thì thử hỏi làm sao có được đời sống vui tươi cho được? Có người ở cảnh nầy than buồn không vừa ý, đi tìm tới cảnh khác có lẽ vui hơn. Nhưng than ôi! Khi đến cảnh khác, thì họ cũng không hài lòng vừa ý.
Cả hai nơi và thậm chí đến nhiều nơi, cũng không nơi nào vừa ý họ. Lúc nào họ cũng than buồn. Quả thật họ là hạng người đứng núi nầy trông núi nọ. Ta thử hỏi: tại sao họ lại có tâm trạng biến thái như thế? Câu trả lời thật đơn giản là vì tâm họ “chất chứa nặng trĩu u buồn”. Cõi lòng của họ đang chứa đầy “nội kết”. Một thứ nội kết ung nhọt độc còn hơn thứ “nội kết của nàng Kiều”. Do đó, họ sống không một chút cởi mở. Họ là mẫu người quá rắc rối chấp nhứt. Họ không hài lòng với bất cứ ai trong khi giao tiếp. Người ta nói: họ là người quá khó tánh. Thật ra, tánh là thứ gì mà khó hay dễ. Nó chỉ là thứ hư vọng không thật. Chẳng qua là do huân tập ngoại cảnh thói quen tạo thành. Cho nên buồn vui chỉ là một thứ tâm lý giả tạo. Có đó rồi không, chúng đắp đổi xoay vần nhau suốt cả cuộc đời. Song có điều, vì chúng không thật, nên chúng ta có quyền chuyển đổi chúng từ trạng thái nầy qua trạng thái khác. Và chúng ta có quyền đình chỉ chúng không cho chúng hoạt động. Nhưng muốn đình chỉ chúng cho có hiệu quả, tất nhiên ta phải dùng đến trí huệ. Phải thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm lên, rọi thẳng vào mặt chúng, thì bọn chúng sẽ tan biến ngay. Đó là quyền của chúng ta. Nhưng khổ nỗi không có mấy ai biết lấy lại chủ quyền nầy. Như vậy, buồn hay vui lỗi không phải ở nơi ngoại cảnh. Mà lỗi đó chính do ở nơi tâm trạng của mỗi người. Vì quá hiểu tâm lý nầy, nên Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã nói hai câu thơ bất hủ trong Truyện Kiều:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Thật vậy, một khi ta mang tâm trạng u buồn rồi, thì dù ở giữa chốn phồn hoa đô hội, hay ở những nơi dạ hội yến tiệc linh đình, thì ta cũng chả thấy vui gì!
Câu Pháp cú 17, Phật cho chúng ta thấy rõ tâm trạng của kẻ đã gây tạo nghiệp ác. Đã gây tạo nghiệp ác, thì dù ở đâu, cũng không thể nào vui được. Thí dụ như kẻ giết người, dù luật pháp chưa tìm ra họ, nhưng trong thời gian lẩn trốn, thử hỏi họ có được an vui như trước khi chưa gây ra án mạng hay không? Dù họ có lẩn trốn nơi đâu, giả sử chạy lên trên thiên đường, cũng không thể nào vui được. Như vậy, muốn có niềm vui, chỉ cần ta không gây tạo điều ác là ta đã có niềm vui rồi, không cần phải tìm kiếm ở đâu xa. Câu Pháp cú thứ 18, Phật nêu rõ cho chúng ta thấy một hình ảnh trái ngược lại. Người nào tạo nhiều phước lành, thì bảo đảm người đó có một đời sống hoan hỷ. Hoan hỷ với chính mình và hoan hỷ với tha nhân. Niềm hoan hỷ tràn ngập cõi lòng, dù người đó ở bất cứ nơi đâu. Trong bất cứ hoàn cảnh thuận nghịch nào, nếu như ta cố gắng gây tạo những điều lành, thì tâm thức ta không có gì phải lo âu buồn bã. Sự cảm thọ niềm an lạc đó, chỉ có người làm lành mới thật sự cảm nhận một cách sâu sắc mà thôi. Như vậy, cảnh vui buồn không ở đâu khác, chỉ ở trong tâm của chúng ta. Tất cả đều do tâm ta tạo lấy. Cuộc sống an vui là một cuộc sống thánh thiện của đời người. Ngược lại, sống trong cảnh buồn thảm, tối ngày cứ mặt ủ, mày ê, thì thà chết cho rồi sướng hơn! Nhưng dễ gì chết được đâu. Bởi lẽ, nghiệp quả đã gây ra, họ chưa trả xong. Có người nói: kẻ gây tội ác tày trời, thì đời họ khó có ngày được an ổn. Dù họ sống giữa trần đời, nhưng không khác gì sống trong cảnh địa ngục. Lời nói nầy thật không sai ngoa chút nào. Hơn ai hết, người Phật tử mỗi người hãy tự tạo cho mình một nếp sống an vui và hài hòa, bằng cách luôn tạo nghiệp lành, thì chẳng những an vui trong hiện đời mà còn ở mãi mãi về sau nữa.
19. Dù tụng nhiều Kinh mà buông lung không thật hành theo, thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa môn[32], khác nào kẻ chăn bò, chỉ lo đếm bò cho người khác (để lấy công, chứ sữa thịt của bò thì không hưởng được).
Much though he recites the sacred texts, but acts not accordingly, that heedless man is like a cowherd who only counts the cows of others- he does not partake of the blessings of a holy life.
Kệ Tụng
Dầu tụng nhiều kinh điển
Không hành trì, phóng dật
Chẳng khác đếm bò người
Không hưởng sa môn hạnh.
20. Tuy tụng ít Kinh mà thường y giáo[33] hành trì[34], hiểu biết chân chánh, trừ diệt tham, sân, si, tâm hiền lành thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế tục, thì dù ở cõi nầy hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần ích lợi của Sa môn.
Little though he recites the sacred texts, but puts the Teaching into practice, forsaking lust, hatred and delusion, with true wisdom and emancipated mind, clinging to nothing of this or any other world- he indeed partakes of the blessings of a holy life.
Kệ Tụng
Dầu tụng ít kinh điển
Nhưng y giáo phụng hành
Từ bỏ tham, sân, si
Giác tỉnh tâm giải thoát
Không chấp trước, hai đời
Tất hưởng sa môn hạnh.
Lược giảng
Tụng đọc Kinh điển của lời Phật dạy, mục đích là để tìm hiểu nghĩa lý trong Kinh, rồi đem ra áp dụng hành trì, như thế mới có lợi ích. Nếu tụng đọc Kinh cho nhiều, với tâm ý buông lung hay làm cho có lệ, thì kết quả chẳng được lợi lạc gì. Chẳng những không được lợi lạc mà đôi khi còn có tác dụng ngược lại. Đa số người tu, chỉ biết tụng đọc Kinh điển cho nhiều để được có phước. Bởi vậy, có lắm người tụng Kinh tính bộ. Càng tụng đọc được nhiều bộ, thì cảm thấy mình tu nhiều hơn người khác. Từ đó sanh tâm cống cao ngã mạn. Như trường hợp Ngài Pháp Đạt trong Kinh Pháp Bảo Đàn. Một hôm, ông đến tham vấn đức Lục Tổ, khi lạy Tổ mà đầu ông không sát đất, bị Tổ quở. Tổ hỏi nguyên do vì sao ông lạy như thế? Có phải ông đang chất chứa một sự nghiệp gì không? Tổ gợi trúng tim đen của ông, ông liền thưa: Vâng! “Con đã tụng ba ngàn bộ Kinh Pháp Hoa”. Ông cho đó là một sự nghiệp vĩ đại khó có ai sánh bằng, kể cả Tổ cũng thế. Nhân đó, Tổ liền dạy cho ông một bài học, chớ có cậy mình tụng kinh nhiều mà khinh khi người khác. Tổ dạy: “Nếu ông tụng đến muôn bộ, được cái ý Kinh mà chẳng cho là hơn, ắt cùng ta sánh vai”. Tổ lại hỏi tiếp: Ông tên là gì? Ngài Pháp Đạt thưa: con tên Pháp Đạt. Tổ bảo: “Ông tên Pháp Đạt mà chưa từng thấu đạt được pháp”. Tổ dạy cho ông một bài kệ:
“Nhữ kim danh Pháp Đạt
Cần tụng vị hưu yết
Không tụng đản tuần thanh
Minh Tâm hiệu Bồ Tát
Nhữ kim hữu duyên cố
Ngô kim vị nhữ thuyết
Đản tín Phật vô ngôn
Liên hoa tùng khẩu phát”.
Dịch:
Nay ông tên Pháp Đạt,
Chuyên tụng chưa từng thôi.
Tụng rỗng chỉ theo tiếng
Sáng tâm gọi Bồ Tát
Nay ông vì có duyên
Nay tôi vì ông nói
Chỉ tin Phật không lời
Hoa sen từ miệng phát.
(Hòa Thượng Thích Thanh Từ)
Sau khi nghe Tổ dạy, ông liền sám hối và được tỏ ngộ. Khi tỏ ngộ được đạo lý, ông có làm một bài tụng:
Kinh tụng tam thiên bộ
Tào Khê nhứt cú vong
Vị minh xuất thế chỉ
Ninh yết lụy sinh cuồng.
Dương lộc ngưu quyền thuyết
Sơ trung hậu thiện dương
Thùy tri hỏa trạch nội
Nguyên thị pháp trung vương.
Tạm dịch:
Tụng Kinh ba ngàn bộ
Tào Khê một câu vong
Chưa rõ (yếu) chỉ xuất thế
Sao tránh khỏi sinh cuồng
Dê, nai, trâu quyền lập
Đầu, giữa, sau khéo bày
Ai biết trong nhà lửa
Có một đấng Pháp Vương.
Sự trình kệ của ông, chứng tỏ ông đã lãnh hội được yếu chỉ. Nếu tụng Kinh chỉ biết miệng tụng đọc không thôi, mà không thiết thiệt thật hành theo những gì trong Kinh dạy, thì đó là tụng rỗng suông. Tụng như thế có khác nào một kẻ chăn bò thuê, chỉ biết đếm bò còn mất cho chủ. Suốt đời không hưởng được lợi ích gì của con bò cả. Nói theo ngày nay, giống như mấy người làm việc trong ngân hàng, suốt tháng quanh năm chỉ làm một công việc là đếm bạc cho ngân hàng mà thôi. Rốt lại mình không có hưởng được một đồng điếu nào của ngân hàng. Hưởng tiền lương là ngân hàng chỉ trả công mình làm. Thế thôi!. Ngược lại, dù chúng ta không tụng nhiều Kinh, (như chỉ một bài Bát Nhã Tâm Kinh thôi) mà chúng ta y cứ theo lời Phật dạy, nỗ lực ứng dụng hành trì một cách nghiêm khắc thiết thiệt, thì cũng đủ giải thoát rồi. Pháp cú 20, Phật nói rất rõ về ý nghĩa lợi ích của việc tụng niệm. Người tụng niệm phải y giáo hành trì. Đằng nầy không, tụng thì cứ tụng, (giống như tụng kể công với Phật hay cho Phật nghe) nhưng hành trì thì không. Tụng như thế cả đời cũng không được lợi ích. Có người tụng niệm từ trẻ đến già, nhưng tam độc (tham sân si) vẫn còn nguyên vẹn.
Hỏi: Tại sao tụng Kinh nhiều và lâu quá mà chúng ta khổ vẫn hoàn khổ, không có chút tiến bộ nào trên đường tu hành hết vậy? Hỏi tức mỗi người chúng ta đã có sẵn câu trả lời rồi vậy. Tụng như thế làm sao tiến bộ được. Kinh Phật dạy để chúng ta tụng biết rõ mà diệt trừ tham sân si, chớ đâu phải Phật dạy để cho chúng ta tụng cầu phước. Cũng như chúng ta có bệnh đến bác sĩ khám, rồi bác sĩ ra toa để cho chúng ta mua thuốc uống. Có mua thuốc uống thì bệnh của chúng ta mới hết. Ngược lại, chúng ta cầm toa thuốc trên tay, tối ngày cứ đọc mà không chịu mua thuốc uống, rồi cứ trách sao tôi không hết bệnh! Buồn cười hơn nữa, có người tối ngày cứ cầm toa thuốc bác sĩ cho, rồi cắm đầu đọc lại cho bác sĩ nghe, để cho bác sĩ vui. Thử hỏi bác sĩ có vui không? Hay là ông ta chê trách người đó quá khờ dại. Tại sao tôi cho toa để mấy người mua thuốc uống, chớ tôi đâu có bắt buộc mấy người đọc lại cho tôi nghe? Toa thuốc nầy chính tôi cho, bộ tôi không biết sao mà cần quý vị phải đọc lại? Thật là ngớ ngẩn! Quả thật, nếu không khéo, thì chúng ta là những kẻ đang ngớ ngẩn như người bệnh kia không khác. Kinh do Phật nói, rồi ta cứ đem ra tụng lại cho Phật nghe. Tụng không thôi sao, có người còn phải luyện giọng cho có ca có kệ nữa chớ. Nghĩ âm thanh của mình tụng hay chắc Phật khen. Thật là Phật thấy thương xót tội nghiệp cho chúng ta quá chừng! Hai câu Pháp cú nầy, quả thật là một hồi chuông lớn, đức Phật nhằm thức nhắc cảnh tỉnh chúng ta trong vấn đề tụng đọc Kinh điển. Tụng Kinh như thế nào có ích lợi cho việc tu hành và tụng như thế nào không bổ ích, Phật đã dạy quá rõ ràng. Còn lại là phần ứng dụng thật hành của chúng ta mà thôi. Vì thế, nên khi tụng đọc, chúng ta tụng đọc chậm rãi rõ ràng từng chữ, từng câu cho có mạch lạc, (không cần phải có chuông mõ, nếu tụng ở nhà) để chúng ta theo dõi từng lời, từng câu Phật dạy. Nếu có chỗ nào không hiểu, không thông, thì chúng ta nên thưa hỏi những vị thiện hữu tri thức; những người đã có trình độ Phật học khá vững chắc, thỉnh cầu quý vị đó chỉ dạy cho chúng ta hiểu. Xong rồi, chúng ta cố gắng đem ra áp dụng trong đời sống hằng ngày. Có thế, mới được lợi ích và mới thật sự là người biết tụng Kinh. Còn riêng phần chư Tăng, Ni trong chùa khi tụng niệm, dĩ nhiên phải cần xử dụng đến chuông mõ, vì có đông người tụng niệm. Đánh mõ là để giữ trường canh đều đặn, hòa âm trong khi tụng niệm. Nhưng, tất cả cũng vẫn phải theo nguyên tắc Phật dạy trên. Điều mà chúng tôi xin được nhấn mạnh rõ ở đây, là chúng tôi chỉ trình bày đại khái về việc lợi hại của việc tụng Kinh đúng pháp hay không đúng pháp theo lời Phật dạy mà thôi, chớ tuyệt nhiên, chúng tôi không có đề cập đến việc nghi thức tụng niệm. Vì đó là một lãnh vực chuyên môn khác. Xin chớ có lầm lẫn giữa hai lãnh vực khác nhau nầy.